Xã hội

Nam Định: Hơn 94 000 ha lúa, hoa màu, ao đầm thủy sản ‘đối mặt’ bão Yagi

Duy Hưng 05/09/2024 21:27

Trước khi bão Yagi đổ bộ, toàn tỉnh Nam Định có 80.000 ha lúa, hoa màu đang sinh trưởng; hơn 14.000 ha nuôi trồng thủy sản; hơn 1.700 phương tiện tàu thuyền của ngư dân đang hoạt động. Chính quyền Nam Định đang triển khai các công việc cấp bách để bảo vệ.

"Không chủ động phòng chống tốt, thiệt hại sẽ rất lớn”

Theo ghi nhận của Đại Đoàn kết Online, vào chiều ngày 5/9, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (huyện Xuân Trường-tỉnh Nam Định) huy động lực lượng, phương tiện mở cống để tháo nước vùng đệm của 25 ha nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã; chằng chống những khu nhà bảo vệ.

1(2).jpg
Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường, Nam Định) Lê Văn Bản: "Nếu không chủ động phòng chống, thiệt hại sẽ rất lớn".

Theo ông Lê Văn Bản, Giám đốc Hợp tác xã, việc tháo nước vùng đệm nhằm mục đích khi có mưa lớn, nước trong khu vực nuôi trồng sẽ bị tràn, kéo theo tôm cá, khi đó vùng đệm có sẵn khoảng trống để chứa nước tràn, giữ lại tôm cá.

“Hiện 25 ha nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã đang có tới 400 tấn cá, 5 tấn tôm, nếu không chủ động phòng chống tốt, thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Lê Văn Bản cho biết.

img_0237.jpg
Một trong các biện pháp bảo vệ vùng nuôi của Hợp tác xã thủy sản Xuân Hòa là chủ động tiêu nước ở vùng đệm để có chỗ chứa nước tràn vùng nuôi khi gặp mưa lớn.

25 ha nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 14.000 ha nuôi trồng thủy sản của tỉnh Nam Định cùng nhiều diện tích lúa, hoa màu khác của tỉnh đang phải đối diện với “an nguy” trước bão Yagi.

Cụ thể, chiều cùng ngày, thông tin tới Đại Đoàn kết Online, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, hiện toàn tỉnh có 71.200 ha lúa, trong đó có khoảng 2.700 ha đã trổ bông; 8.800 ha hoa màu, trong đó có 900 ha đã thu hoạch, 2.200 ha đến kỳ thu hoạch; 14.625 ha nuôi trồng thủy hải sản (mặn lợ 5.625 ha; nước ngọt 9.000 ha); 292 lồng bè trên sông…

Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cũng cho biết, toàn tỉnh có 1.714 phương tiện/5.287 ngư dân; khu vực ven biển có 622 lều, chòi/692 người trông coi đầm bãi.

Đặc biệt, tỉnh có tới hơn 535 km đê, trong đó có hơn 279 km đê sông, hơn 39 km đê cửa sông; hơn 75 km đê biển; có 38 trọng điểm phòng chống lụt bão, trong đó trên tuyến đê biển và đê cửa sông có 8 trọng điểm.

“Tuyến đê biển của tỉnh dài hơn 75 km, phần lớn trực diện với biển, được thiết kế chống bão cấp 10, do đó khi gặp bão lớn đổ bộ sẽ rất khó khăn trong công tác ứng phó”, ông Trần Anh Dũng nhìn nhận.

z5800419546632_62fabb7163af683e0adea09e41dca495.jpg
Ngoài thủy sản, toàn tỉnh Nam Định hiện có hơn 80 ha lúa, hoa màu. Trong ảnh: Cánh đồng lúa ở huyện Xuân Trường.

“Cấm biển” từ 6h ngày 6/9

Để ứng phó với bão Yagi, từ ngày 4/9, chính quyền tỉnh Nam Định đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc 3 huyện ven biển (Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy triển khai công tác phòng chống bão; ban hành các công điện chỉ đạo chi tiết.

Sở NN&PTNT tỉnh đã triển khai rà soát toàn bộ hệ thống đê điều, đặc biệt tuyến đê biển; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh rà soát các phương án bảo vệ trọng điểm, phương án phòng chống bão, phương án di dân trên thực địa, sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra.

Ngoài tăng cường công tác thông tin, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện ven biển trong tỉnh đã rà soát, kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ.

Qua nắm bắt của cơ quan chức năng địa phương đến ngày 5/9, trong số 1.714 phương tiện tàu, thuyền của ngư dân, có 95 phương tiện/280 ngư dân đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày; 75 phương tiện/245 ngư dân khai thác, đánh bắt ở vùng biển từ Hải Phòng đến Quảng Bình; số phương tiện đang neo đậu tại bến là 1.544 phương tiện/4.762 ngư dân.

Cho đến ngày 5/9, toàn bộ 1.714 tàu thuyền/5.287 ngư dân; 622 lều, chòi/692 người trông coi đầm bãi ở khu vực ven biển của tỉnh đều đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng đi của bão từ các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương.

“Tỉnh sẽ thực hiện “cấm biển” từ 6h ngày 6/9, theo đó sẽ nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi; bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết.

Thêm rằng, “Tỉnh sẽ sơ tán toàn bộ 734 lao động ngoài các lều chòi nuôi trồng thủy sản, các lao động trên các lồng bè vào trong đê, việc này sẽ hoàn thành trước khi bão đổ bộ; tổ chức sơ tán dân theo các tình huống bão xảy ra trên địa bàn”.

z5799752704809_f537c146e3d651954da2ce2c907a0dab.jpg
Đoàn công tác của UBND tỉnh Nam Định kiểm tra kè Hải Thịnh 3 (Hải Hậu) trước bão.

Hiện tại, ngành chức năng, chính quyền các địa phương đang tập trung tuyên truyền, tổ chức cho nhân dân khẩn trương thu hoạch diện tích rau màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch, đặc biệt là ở khu vực cửa sông, ven biển, khu vực trũng thấp; hướng dẫn người dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thuỷ.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, nhà xưởng, hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; triệt để tiêu nước; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu khi có yêu cầu.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan

“Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Bí thư và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão”.

(Trích Công điện lúc 14h30 ngày 5/9 của UBND tỉnh Nam Định)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Hơn 94 000 ha lúa, hoa màu, ao đầm thủy sản ‘đối mặt’ bão Yagi