Hơn 3 năm trước, vào ngày 28/5/2020, cầu Thịnh Long nối hai bờ sông Ninh Cơ, nối hai huyện Nghĩa Hưng-Hải Hậu, nằm trên tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định được khánh thành, hiện thực hóa mong ước nhiều đời của người dân hai bờ, mở ra cho vùng kinh tế biển của tỉnh nhiều cơ hội phát triển mới. Nhưng khu vực ven biển của tỉnh hiện không chỉ có vậy!
Chậm phát triển vì bị chia cắt
Vùng ven biển tỉnh Nam Định gồm 3 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy) với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển), diện tích tự nhiên rộng 724 km2 (chiếm 43% diện tích toàn tỉnh), có dân số hơn 606.000 người (34% dân số toàn tỉnh). Đê biển qua địa bàn tỉnh dài 72 km.
Nơi xa nhất cách TP Nam Định-trung tâm tỉnh-chỉ khoảng 60 km nhưng trước đây nhiều người Nam Định vẫn có cảm giác “xa ngái” khi về miền biển. Bởi cho đến khi đó, từ trung tâm tỉnh về miền biển chỉ có 2 con đường chính là Quốc lộ 21 chật chội và đường tỉnh lộ 55 (nay là đường 490C) nhỏ hẹp. Vùng biển của tỉnh có 3 cửa sông lớn là cửa sông Hồng (cửa Ba Lạt) với bờ bên kia là tỉnh Thái Bình, cửa sông Ninh Cơ chảy trong nội tỉnh, cửa sông Đáy (cửa Đáy) nhưng khi đó từ các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình muốn qua lại vùng biển Nam Định đều phải nhờ vào những con phà, vì không có một cây cầu nào nối vùng biển của 3 tỉnh liền kề.
Trên sông Ninh Cơ chảy trong nội tỉnh, cho đến trước năm 2020 cũng chỉ có duy nhất cây cầu Lạc Quần nằm trên Quốc lộ 21, nối hai huyện Trực Ninh và Xuân Trường. Ở phía Tây tỉnh, hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng trên dưới liền kề nhưng bị ngăn bởi con sông Đào, việc qua lại nhờ cả vào con phà Đống Cao. Rồi nữa, do bị bồi lắng nên cửa sông Ninh Cơ, cửa Đáy không có tàu trọng tải lớn qua lại. Ghé vào cảng Hải Thịnh (Hải Hậu) chỉ là những con tàu trọng tải nhỏ.
Giao thông trong tình trạng như vậy nên nhiều đời qua, đời sống kinh tế-xã hội ở vùng biển Nam Định chỉ gắn liền với những hoạt động có tính truyền thống như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, làm muối, sản xuất nông nghiệp. Và, thỉnh thoảng đối mặt với gió bão ập vào từ biển Đông. Không nghèo nhưng cũng chẳng làm giàu được.
Vùng biển của tỉnh có Vườn quốc gia Xuân Thủy, có 2 bãi tắm Quất Lâm (Giao Thủy), Thịnh Long (Hải Hậu) nhưng du lịch không thực sự phát triển. Bởi Vườn quốc gia có quy chế bảo vệ riêng, nghiêm ngặt; 2 bãi tắm Quất Lâm, Thịnh Long thường được người trong và ngoài tỉnh nhớ đến là những tụ điểm của tệ nạn xã hội hơn là sự trong xanh, sạch sẽ của bãi tắm cùng những dịch vụ du lịch được cung cấp một cách chuyên nghiệp.
Hơn 10 năm trước, cả tỉnh kỳ vọng vùng biển của tỉnh sẽ trở thành trung tâm đóng tàu thủy khi Tập đoàn Vinasin hiện diện khắp nơi, san lấp các triền sông để triển khai các dự án đóng tàu, có cả nhà máy đóng tàu đã mọc lên ở gần cửa sông Ninh Cơ. Nhưng “giấc mơ” này của Nam Định sau đó không thành hiện thực. Sự cố nghiêm trọng xảy ra sau đó ở Tập đoàn Vinasin khiến mục tiêu trên của Nam Định phải bỏ ngỏ.
Cũng hơn 10 năm trước, Nam Định hồ hởi đón nhận dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện tại huyện Hải Hậu của nhà đầu tư Tập đoàn Tập đoàn Taekwang, đến từ Hàn Quốc, với số vốn đăng ký đầu tư đến hơn 2 tỷ USD. Đến năm 2017, dự án chính thức được Bộ Kế hoạch-đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng vì nhiều lý do, cả từ phía nhà đầu tư, cả từ những thay đổi chính sách trong nước, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai, đang trong quá trình tìm hướng tháo gỡ.
Không thể chỉ trông chờ vào đồng muối, vuông tôm và những con thuyền đánh bắt cá ven bờ, nhiều con em miền biển Nam Định lớn lên vẫn phải lang bạt đi khắp mọi miền Tổ quốc để tìm kế mưu sinh.
Đưa miền biển thành vùng kinh tế động lực
Nói vậy không có nghĩa Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Nam Định không nhìn ra những tiềm năng, lợi thế rất lớn của vùng biển của tỉnh, nơi chỉ riêng ở huyện Nghĩa Hưng đã có cả một vùng bãi bồi rộng khoảng 22.000 ha, liên tục được bồi đắp, mở rộng theo thời gian. Ngược lại, bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển, nhiệm kỳ nào tỉnh cũng có những chủ trương, kế hoạch, mục tiêu riêng để “đánh thức”, phát triển vùng đất này.
Một trong những biểu hiện cụ thể là những huyện ven biển của tỉnh đều là những địa phương dẫn đầu tỉnh về thành quả xây dựng nông thôn mới, với kết quả đến nay hầu hết các xã đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Từ những năm 2000, tỉnh đã đề cập đến việc thành lập khu Kinh tế Ninh Cơ, triển khai và kỳ vọng vào các dự án đóng tàu của Tập đoàn Vinasin; xúc tiến triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện vốn đầu tư hơ 2 tỷ USD ở huyện Hải Hậu…
Những năm gần đây, bám sát các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển khu vực biên giới biển của Trung ương, Chính phủ, tỉnh Nam Định tiếp tục dồn lực để phát triển vùng kinh tế này với nhiều kế hoạch, hoạt động cụ thể. Đặc biệt kể từ khi Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng khóa 12 ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/1918, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành ngày 22/10/2018), với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, các hoạt động đầu tư, phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh Nam Định càng tập trung hơn, có tính chiến lược hơn, với mục tiêu đưa vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực, đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng phía nam tỉnh.
Theo đó, tỉnh đã thực hiện nhiều quy hoạch và trình các bộ ngành phê duyệt một số quy hoạch theo thẩm quyền. Trong đó, tại vùng kinh tế biển, tỉnh xây dựng Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên và vùng liên huyện huyện Hải Hậu-Giao Thuỷ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; được Bộ Giao thông-Vận tải bổ sung quy hoạch 1 bến cảng hàng lỏng tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1; tỉnh đang đề xuất Bộ bổ sung bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, Trung ương và tỉnh Nam Định đã dành những nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ở khu vực ven biển của tỉnh. Trong số các dự án do Trung ương đầu tư phải kể đến dự án cải tạo Luồng tàu qua cửa Lạch Giang (cửa sông Ninh Cơ-Nam Định), kinh phí đầu tư 75 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới (thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ-WB6), được khánh thành, đưa vào sử dụng ngày 22/11/2015.
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả dự án đầu tư Luồng cửa Lạch Giang, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới sau đó đã ký hiệp định bổ sung vốn cho dự án WB6 để đầu tư cụm công trình kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Sau thời gian xây dựng, vào ngày 25/7 vừa qua công trình đặc biệt này đã được Bộ Giao thông-Vận tải công bố mở luồng hủy nội địa; giúp cho tàu trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải từ cửa Lạch Giang có thể qua Kênh nối Đáy-Ninh Cơ để đi sâu vào đất liền, giảm gánh nặng vận tải cho đường bộ.
Về phía địa phương, tỉnh Nam Định cũng đã và đang đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh, dài 65,58km tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đưa vào khai thác, ngoài kết nối 3 huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy của tỉnh tuyến đường còn kết nối với nhiều tuyến đường trong nội tỉnh, đặc biệt sẽ kết nối thuận lợi giữa Nam Định với các tỉnh ven biển liền kề như Thái Bình, xa hơn là Hải Phòng, Quảng Ninh; mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương ven biển của tỉnh, bởi cùng nằm trên tuyến đường bộ ven biển cầu bắc qua sông Hồng cũng đang được thi công.
Ở phía tây, tỉnh đang triển khai thi công giai đoạn 2 dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tại nút giao Cao Bồ, huyện Ý Yên cũng là điểm đầu của cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn, nối Nam Định với Ninh Bình). Tuyến đường dài 46 km, đi qua địa bàn hai huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.326,5 tỷ đồng, trên tuyến có cầu Đống Cao bắc qua sông Đào, nối hai huyện Ý Yên-Nghĩa Hưng. Sau khi tuyến đường hoàn thành, từ Hà Nội qua cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, qua cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, ô tô chỉ cần “nhấn ga” thêm ít phút là về đến vùng biển tỉnh Nam Định.
Ở phía đông, vào cuối năm 2022 tỉnh đã khởi công tuyến đường bộ mới TP Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, dài gần 25 km, đi qua địa bàn 5 huyện (Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu và Giao Thủy), được định hướng phát triển thành cao tốc. Sau khi hoàn thành, tuyến đường nối trung tâm tỉnh với vùng biển này sẽ giảm tải cho QL21 chật hẹp.
Như vậy, sau khi tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và tuyến đường bộ mới TP. Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển hoàn thành, đưa vào khai thác, nội tỉnh sẽ có thêm 2 tuyến đường huyết mạch, kết nối phía bắc, trung tâm tỉnh với vùng kinh tế biển của tỉnh bên cạnh Quốc lộ 21, Quốc lộ 37B (dài 139 km, nối ba tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nam) và đường tỉnh 490C.
Mới đây nhất, vào ngày 29/9 vừa qua, tại huyện ven biển Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cũng đã triển khai thi công dự án cầu vượt sông Đáy, nối Nam Định với Ninh Bình, vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng, sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là dự án thành phần thuộc dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo, triển khai, có ý nghĩa chiến lược, mang tính liên kết vùng, kết nối những tỉnh như Nam Định, Thái Bình với các trung tâm phát triển của vùng và của cả nước.
Dự án xây dựng cầu phao Ninh Cường, bắc qua sông Ninh Cơ, nằm trên Quốc lộ 37B, nối địa bàn 2 huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh của tỉnh Nam Định (vốn đầu tư trên 582 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc) cũng đang được Bộ Giao thông-Vận tải, tỉnh Nam Định chuẩn bị thi công.
Cùng với đó, trong những năm qua, hệ thống đê biển dài 72 km của tỉnh được Trung ương và tỉnh dành nguồn kinh phí lớn để kiên cố, hướng đến các mục tiêu phòng chống bão, chống sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mới đây nhất, vào tháng 10/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quyết định dự án thành phần số 2 đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (thuộc dự án Củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc Bộ), tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.
Cùng với các dự án giao thông, bảo vệ đê biển, tại khu vực ven biển tỉnh Nam Định hiện có KCN dệt may Rạng Đông rộng tới hơn 500 ha, ở khu vực bãi bồi ven biển, thuộc địa bàn huyện Nghĩa Hưng. Hiện KCN lớn này đã thu hút được một số dự án đầu tư nước ngoài, trong đó Tập đoàn Toray (Nhật Bản) đã và đang triển khai dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm sợi, vải; tổng vốn đầu tư 203 triệu USD. Ngoài ra trên địa bàn 3 huyện ven biển cua tỉnh còn có thêm hàng chục CCN đang hoạt động, chuẩn bị được thành lập.
Đặc biệt, thời gian qua tỉnh Nam Định và Tập đoàn Xuân Thiện đã và đang triển khai các bước trong quy trình đầu tư Tổ hợp dự án thép (gồm 3 dự án) tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng (khu vực Cồn Xanh), tổng vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng. Tron đó, dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn đã được khởi công vào cuối năm 2022.
Những vướng mắc tại dự án Nhà máy Nhiệt điện (Hải Hậu), vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD cũng đang có hướng tháo gỡ khi vào ngày 16/10 vừa qua đại diện Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định, về việc Tập đoàn này sẽ cùng Tập đoàn Taekwang (chủ đầu tư) chuyển hướng đầu tư dự án, từ công nghệ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng-PV), với mong muốn thiết lập tại đây 1 Trung tâm năng lượng điện khí LNG công suất 1.500-3.000MW.
Cũng tại địa bàn huyện Hải Hậu, Tập đoàn Trường An đã và đang triển khai dự án đầu tư Tổng kho xăng dầu, quy mô 79.000 m3...
Trong năm 2023, chính quyền tỉnh Nam Định có một động thái quan trọng khác, đó là thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, trong đó quy trình đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN Hải Long rộng 1100 ha tại địa bàn huyện Giao Thủy đã được tỉnh và nhà đầu tư sơ khởi những bước đầu tiên.
Thực hiện chủ trương, kế hoạch của tỉnh đến nay các ki-ốt tạm bợ, gắn với tệ nạn xã hội ở 2 bãi tắm Quất Lâm, Thịnh Long đã được ngành công an, chính quyền các địa phương xóa bỏ, nhường vị trí cho các công trình công cộng, hướng tới thu hút các nhà đầu tư có thể cung cấp các dịch vụ du lịch cao cấp hơn. Một số mô hình du lịch cộng đồng, như mô hình Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân, mô hình Ecohost Hải Hậu…, hướng tới việc giúp du khách trải nghiệm vẻ đẹp, những giá trị của Vường Quốc gia Xuân, của hệ thống nhà thờ Công giáo nổi tiếng to đẹp, ẩm thực cùng những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng đã và đang được tỉnh Nam Định tạo điều kiện duy trì, phát triển.
Và đặc biệt, sau thời gian dài chuẩn bị, mới đây UBND tỉnh Nam Định cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, rộng gần 14.000 ha, thuộc địa bàn 2 huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu khi các điều kiện thành lập, nhất là về kết cấu hạ tầng đã hội đủ.
Miền biển tỉnh Nam Định đang thực sự chuyển mình từ những chủ trương, định hướng, quyết sách có tính chiến lược!