Giao thông

Nam Định: Phá thế chia cắt từ loạt dự án giao thông chiến lược

Duy Hưng 27/11/2023 14:16

Thời gian qua, địa bàn tỉnh Nam Định được xem như một “đại công trường” khi hàng loạt dự án hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng được tỉnh huy động nguồn lực, tập trung triển khai, phá thế chia cắt, mở ra cho tỉnh nằm ở trung tâm vùng Nam sông Hồng nhiều cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư…

Phá thế chia cắt

Trong đó, ngày 29/9 vừa qua, tỉnh triển khai thi công dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình. Đây là dự án thành phần thuộc dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo, triển khai, có ý nghĩa chiến lược, mang tính liên kết vùng, kết nối những tỉnh như Nam Định, Thái Bình với các trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Trong đó, dự án cầu có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

image.daidoanket.vn-images-upload-hungtd-09292023-_z4738363317641_49ad155cfd0009b562f596ada7b53ba9.jpg
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình (dự án thành phần thuộc dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng) vừa được tỉnh Nam Định triển khai thi công.

Trước đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm, chiến lược khác đã được tỉnh Nam Định huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, triển khai thi công trên địa bàn. Trong đó, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thiện thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh, tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 65,58km, trong đó các đoạn đi trùng Quốc lộ 37B, Quốc lộ 21 và đoạn dự án cầu Thịnh Long tận dụng tuyến hiện trạng, không đầu tư. 50,98 km còn lại được đầu tư làm mới, mở rộng. Tuyến có điểm đầu ở cầu vượt sông Đáy nối Nam Định - Ninh Bình (thuộc địa bàn xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng); điểm cuối ở đoạn cầu vượt sông Hồng nối Nam Định - Thái Bình (thuộc địa bàn xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy).

anh10_20230628120506.jpg
Tuyến đường bộ đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định đang dần hoàn thiện thi công.

Khi hoàn thành, đưa vào khai thác, ngoài kết nối 3 huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy của tỉnh tuyến đường còn kết nối với các tuyến quốc lộ 37B, 21, 21B qua địa bàn tỉnh, kết nối với tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, kết nối với tỉnh lộ 490C, đặc biệt sẽ kết nối thuận lợi giữa Nam Định với các tỉnh ven biển liền kề như Ninh Bình, Thái Bình, xa hơn là Hải Phòng, Quảng Ninh; mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương ven biển của tỉnh.

Một dự án giao thông trọng điểm khác đang được tỉnh Nam Định tập trung triển khai thi công, đó là dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tỉnh lộ 490B), tại nút giao Cao Bồ (huyện Ý Yên, điểm đầu của cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn, nối Nam Định với Ninh Bình). Dự án được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn; dài 46 km, đi qua 16 xã thuộc địa bàn hai huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, tổng mức đầu tư 5.326,5 tỷ đồng. Tỉnh đã hoàn thành thi công giai đoạn 1 của dự án, hiện đang triển khai thi công giai đoạn 2.

28_12_6_2.jpg
Thi công tuyến đường trục nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.

Cùng với đó, vào ngày 24/12/2022, tỉnh Nam Định cũng đã khởi công tuyến đường bộ mới TP Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng; dài gần 25 km, đi qua địa bàn 18 xã, thị trấn thuộc 5 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu và Giao Thủy.

Điểm đầu kết nối với đường trục phía Nam TP Nam Định và cầu sông Đào (vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đang thi công) vào trung tâm thành phố; điểm cuối khớp nối với đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, tại địa phận huyện Giao Thủy. Công trình được thiết kế quy mô đường cấp I đồng bằng, định hướng phát triển thành đường cao tốc sau năm 2030, mặt đường 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Nằm trong dự án có cầu Lạc Quần mới, bắc qua sông Ninh Cơ, nằm phía phải cầu Lạc Quần hiện có. Sau khi hoàn thành, tuyến đường nối trung tâm tỉnh với vùng biển này sẽ giảm tải cho QL21 hiện đang rất chật hẹp, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách từ các huyện phía Nam của tỉnh đi vào trung tâm TP Nam Định, tới Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

image.daidoanket.vn-images-upload-hungtd-05102023-_d1-1683705111830957753034.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn kiểm tra thi công dự án đường bộ mới TP Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển.

Như vậy, sau khi tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và tuyến đường bộ mới TP Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển hoàn thành thi công, đưa vào khai thác bên cạnh QL 21 và đường tỉnh 490C, nội tỉnh Nam Định sẽ có thêm 2 tuyến đường huyết mạch, kết nối phía bắc, trung tâm tỉnh với vùng kinh tế biển của tỉnh.

Đặc biệt, vào ngày 25/7 vừa qua, một công trình giao thông đường thuỷ quan trọng, vốn đầu tư lên tới 107,19 triệu USD tại tỉnh Nam Định đã được Bộ GTVT công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia, đó là cụm công trình Kênh Nghĩa Hưng (cụm công trình kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ). Công trình thuộc Dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc).

1_20230624101734.jpg
Cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, đây là cụm công trình có ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Nam Định và Ninh Bình; phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016), giúp cho tàu trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm “gánh nặng” cho đường bộ.

anh_3_20231002143811.jpg
Cầu Thịnh Long, bắc qua sông Ninh Cơ, nằm trên tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định đã được đưa vào sử dụng.

Cùng với phát triển hạ tầng giao thông, để chuẩn bị quỹ đất đón các nhà đầu tư chiến chiến lược, thời gian qua tỉnh Nam Định tập trung phát triển hạ tầng nhiều Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN). Ngoài các KCN đã thành lập, hoạt động ổn định từ trước, như KCN Hòa Xá (TP Nam Định), KCN Bảo Minh (Vụ Bản, vừa được mở rộng thêm 50 ha), KCN Mỹ Trung (Mỹ Lộc), địa bàn tỉnh có thêm một số KCN mới, đang trong quá trình thu hút đầu tư như KCN Dệt may Rạng Đông (rộng trên 500 ha, thuộc địa bàn huyện Nghĩa Hưng); KCN Mỹ Thuận (rộng hơn 150 ha, thuộc đị bàn huyện Mỹ Lộc). Nhiều KCN khác như Trung Thành (huyện Ý Yên), Hồng Tiến (Ý Yên), Xuân Kiên (Xuân Trường), Hải Long (Giao Thủy)… đang được tỉnh xúc tiến quy trình thành lập.

anh_3_20231003152514(1).jpg
KCN Rạng Đông, rộng hơn 500 ha thuộc địa bàn huyện ven biển Nghĩa Hưng đang trong quá trình thu hút các dự án đầu tư.

Ngoài ra, địa bàn 10 huyện, thành phố trong tỉnh hiện có 20 CCN đang hoạt động và mới được thành lập, hướng đến mục tiêu thu hút các dự án sản xuất công nghiệp về địa bàn nông thôn.

Trên thực tế, thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2023, tỉnh Nam Định có sự đột phá về thu hút đầu tư nước ngoài, khi cùng lúc có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất lớn, đến từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… chọn các KCN trên địa bàn tỉnh làm địa chỉ đầu tư, xây dựng nhà máy.

Đặc biệt, mới đây, sau thời gian dài chuẩn bị, UBND tỉnh Nam Định đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, rộng gần 14.000 ha, thuộc địa bàn 2 huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu khi các điều kiện thành lập, nhất là về kết cấu hạ tầng đã hội đủ.

Tỉnh Nam Định triển khai các công trình, dự án trên trong bối cảnh điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn chế. Để giải bài toán về nguồn lực, ngoài tranh thủ nguồn lực từ Trung ương, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu, tranh thủ nguồn vốn từ doanh nghiệp, các nguồn tài trợ…, tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế đầu tư các khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, qua đó phát huy nguồn lực từ quỹ đất sử dụng cho đầu tư công. Từ năm 2021 đến nay tỉnh đã và đang triển khai 113 dự án, mỗi năm thu được khoảng 4.000 tỷ đồng từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất.

Nguồn vốn ngân sách được tỉnh sử dụng theo nguyên tắc không dàn trải, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; tiết kiệm chi tiêu hành chính để dành chi phát triển. Theo thống kê, trong 3 năm, từ năm 2021 đến năm 2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 144.106 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 12,4%/năm. Trong đó vốn ngoài Nhà nước chiếm 71,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 8,5% và tăng bình quân 13,4%.

Vượt khó trong công tác giải phóng mặt bằng

Đi trước và đi liền với việc triển khai hàng loạt các công trình, dự án trên là một khối lượng công việc “khổng lồ” liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), với các yêu cầu vừa phải đảm bảo đúng quy định vừa phải đảm bảo đúng tiến độ. Thực tế cho thấy, ngoài một số công trình, dự án thuận lợi, một số công trình, dự án của tỉnh đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đặc biệt quan trọng này.

z4917620091845_ebba6133424d7dc24399f625446a1151.jpg
Công tác giải phóng mặt bằng đang được các cấp chính quyền ở Nam Định triển khai quyết liệt.

Tại huyện Nghĩa Hưng, công tác GPMB phục vụ Tổ hợp dự án của nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện gặp vướng mắc do diện tích đất bãi bồi khu vực Cồn Xanh trước đó được chính quyền cơ sở cho nhiều hộ dân thuê nuôi trồng thủy sản. Đến thời điểm tỉnh ra quyết định thu hồi các hợp đồng thuê đất đã hết hạn nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn không di dời tài sản, vật nuôi; kiến nghị được đền bù, hỗ trợ và một số yêu cầu khác. Ở dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2), GPMB gặp vướng mắc do hướng tuyến đường mở rộng có sự thay đổi, từ phương án tuyến ban đầu đi ngoài đê sông Ninh Cơ chuyển sang đi trong đê, qua khu dân cư, phải làm lại quy trình GPMB từ đầu. Một số công trình nhân dân mới xây dựng kiên cố trước khi thay đổi phương án quy hoạch; việc xác định giá đất chậm ảnh hưởng tới tiến độ lập phương án; các khu tái định cư tập trung chưa xây dựng xong hạ tầng…

z4919177624438_b859211778afc46fcebee3edecddec0b.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo các sở ngành, địa phương kiểm tra, chỉ đạo giải phóng mặt bằng tại thực địa.

Tại TP Nam Định, GPMB phục vụ dự án cầu qua sông Đào (nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi) gặp vướng mắc do có 7 hộ gia đình, cá nhân được HTX rau cá Tiền Phong giao đất trái thẩm quyền từ năm 1991. Căn cứ nguồn gốc sử dụng đất, các tài liệu liên quan, chính quyền thành phố đã lập, phê duyệt phương án GPMB theo quy định hiện hành và đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân nhưng các hộ này chưa đồng thuận, kiến nghị được bồi thường mức 100% đối với diện tích đất bị thu hồi.

Ở một số dự án khác cùng có khó khăn chung liên quan đến việc bố trí tái định cư, thời gian làm thủ tục xây dựng hạ tầng khu tái định cư tập trung kéo dài; người dân còn nhiều kiến nghị liên quan hỗ trợ giá trị chênh lệch, đơn giá bồi thường; chính quyền một số địa phương chưa quản lý chặt chẽ việc cho thuê đất công ích dẫn đến khó thanh lý khi hết hạn hợp đồng; lúng túng trong thực hiện trình tự thủ tục và xử lý các tình huống trong công tác GPMB; tình trạng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác GPMB còn diễn biến phức tạp.

Xác định GPMB phục vụ việc triển khai các công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đảm bảo các công trình, dự án sớm được triển khai, đúng tiến độ, sớm phát huy hiệu quả trong đời sống, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở tỉnh Nam Định đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này.

2_20230828171639.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng.

Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022-2025, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Ngoài thường xuyên họp bàn, kiểm điểm tiến độ; đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi thành viên Ban Chỉ đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, tỉnh thành lập các đoàn công tác xuống tận địa bàn để kiểm tra, nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB ngay tại cơ sở.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích về vai trò, ý nghĩa quan trọng, cấp thiết của công tác GPMB để nhân dân đồng thuận. Người đứng đầu trực tiếp đối thoại với người dân ở những dự án gặp khó khăn. Các sở, ngành chuyên môn theo sát, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương trong thực hiện các quy trình, thủ tục. Thảo luận, bàn bạc để thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn với tinh thần quyết liệt, trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, tối đa lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo đúng quy định của pháp luật. Điều chuyển, xử lý cán bộ không hoàn thành chức trách. Quan tâm, chú trọng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan công tác GPMB; xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực. Chú trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, không để hình thành điểm “nóng” về an ninh trật tự.

image.daidoanket.vn-images-upload-hungtd-10102023-_z4534940407074_d1d0ddd8fc1f0e3a3f4338ba6ef51494-copy.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh đối thoại với người dân khu vực Cồn Xanh liên quan công tác giải phóng mặt bằng.

Riêng việc GPMB phục vụ Tổ hợp dự án thép của nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện ở khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan của tỉnh đã 2 lần tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định sau đó đã ban hành Kết luận về công tác GPMB thực hiện Tổ hợp dự án này, đưa ra các quan điểm, nhìn nhận, đánh giá cụ thể, trong đó “thống nhất quyết tâm chính trị trong việc GPMB”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Phá thế chia cắt từ loạt dự án giao thông chiến lược