Người dân Nam Định đang sống trong những ngày đặc biệt khi có dịp tìm hiểu, trải nghiệm, thêm tự hào về món Phở truyền thống của quê hương thông qua các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện “Ngày của Phở 12-12” do tỉnh nhà đăng cai tổ chức…
Sáng 11/12, tại trung tâm TP Nam Định, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Nam Định, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh tổ chức khai mạc Gala “Ngày của Phở 12-2” năm 2022 với chủ đề “Phở Việt-Tinh hoa hội tụ”.
Tham dự sự kiện có lãnh đạo, rất đông người dân đến từ các địa phương trong tỉnh Nam Định, đại diện các cơ quan ở Trung ương, những người yêu mến, hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, nghệ nhân nấu phở trên mọi miền đất nước, người nổi tiếng, đặc biệt có sự hiện diện của gần 20 đại sứ, nhân viên ngoại giao của các nước đang làm việc tại Việt Nam.
Những phát biểu, chia sẻ tại sự kiện dù của người ngoài hay đang hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, của người Việt hay của người nước ngoài đều có điểm chung đánh giá cao, tôn vinh những giá trị độc đáo của món ẩm thực Phở Việt, xem Phở là món ăn “quốc hồn, quốc túy” của Việt Nam.
Theo đó, ra đời chưa quá lâu, chỉ khoảng hơn 100 năm, từ cái nôi là vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có Nam Định nhưng món Phở đã nhanh chóng được phổ quát, trở thành món ăn “phi giai cấp” theo nghĩa người giàu cũng ăn, người nghèo cũng ăn; “phi biên giới” theo nghĩa người Việt ăn phở đã đành, người nước ngoài ở nhiều quốc gia, vùng miền, văn hóa khác nhau cũng ăn.
Người ta có thể ăn phở trong bữa phụ nhưng cũng có thể dùng phở cho bữa chính, có thể ăn vào buổi sáng, buổi chiều và ngay cả trong đêm. Ngoài là món ăn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể, phở còn có vai trò như một vị thuốc vì trong phở có những gia vị vốn là vị thuốc của Đông Y (hạt tiêu, thảo quả, chanh…). Biểu hiện rõ nhất là khi bị ốm, cảm, sốt, ăn một bát phở nóng người sẽ nhanh khỏe lại…
Các diễn giả cũng không quên nhắc đến, tôn vinh mảnh đất, con người Nam Định với đại diện là làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực như là một cái nôi của Phở Việt. Theo đó, từ những năm đầu thế kỷ 20 người dân làng quê cách TP Nam Định ngày nay 15 km về phía Nam này, trong đó có những người của dòng họ Cồ đã khởi phát nghề nấu phở. Từ Nam Định dân làng theo nhau dần đưa nghề nấu phở ra Hải Phòng, lên Hà Nội, nổi danh bền bỉ ở chốn kinh kỳ với nghề này suốt cả trăm năm qua, nhờ giữ gìn nghiêm ngặt bí quyết nghề tiền nhân trao truyền…
Như đã phản ánh, trong khuôn khổ các hoạt động nằm trong sự kiện “Ngày của Phở” năm 2022, vào chiều ngày 10/12 tại đình làng Vân Cù đã diễn ra một hoạt động rất ý nghĩa đó là cộng đồng làng mở hội, trình diễn nghệ thuật làm phở, chia sẻ các những câu chuyện về lịch sử ra đời cũng như quá trình phát triển nghề phở của làng suốt cả trăm năm qua tới rất đông khách mời, đặc biệt là tới gần 20 đại sứ, các nhà ngoại giao đang công tác tại Việt Nam về tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm…
Điều đặc biệt là, sau hơn 100 năm ra đời từ Nam Định, từ vùng đồng bằng Sông Hồng phở đã phát triển lên vùng núi, vào trong Nam, lên Tây Nguyên, ra nước ngoài và hôm nay Phở trở về nguồn với sự hội tụ của nhiều biến thể, mang bản sắc riêng của từng vùng miền trên cả nước như phở Bắc, phở Nam, phở hai tô Gia Lai, phở ngô của người H’Mông, phở cuốn, rồi cả phở Úc… bên cạnh thương hiệu phở nức tiếng của quê hương Nam Định…
Phở Việt nổi tiếng đến mức từng được Google-trang công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới-tôn vinh ngay trên trang chủ ở 20 quốc gia.
Tại cuộc tọa đàm diễn ra ít phút trong khuôn khổ lễ khai mạc Gala, với chủ đề "Để hương phở bay xa", có một vấn đề được nêu ra, nhận được nhiều ý kiến tranh luận, trái chiều đó là người Việt rất đoàn kết, tự hào với nhau về món Phở của mình nhưng cũng rất dễ “cãi nhau” trước câu hỏi “thế nào là phở thật?”. Vì khi đó, người Nam Định sẽ nói phở của họ mới là phở thật, người Hà Nội cũng nói phở của họ mới là phở thật. Tuy nhiên, chốt lại thì các ý kiến cũng phải thống nhất Phở là niềm tự hào chung của người Việt và người Việt cần chấp nhận những biến thể khác nhau của Phở ở mỗi vùng miền do vấn đề khẩu vị, văn hóa, điều kiện tự nhiên. Đặc biệt, cần phải đưa hương vị của Phở Việt bay xa ra ngoài biên giới Tổ quốc, để thế giới phải nhắc đến Phở Việt như vẫn thường nhắc đến món Pizza của Ý, món rượu vang của Pháp…
Hoạt động được người dân Nam Định và khách mời trông đợi nhất trong ngày khai hội Phở là được trải nghiệm, thưởng thức các thương hiệu phở nổi tiếng từ khắp trong Nam ngoài Bắc, từ nước ngoài và của chính quê hương Nam Định của Phở, được Ban tổ chức bố trí tại hàng trăm gian hàng ở Công viên Vị Xuyên, nằm ở trung tâm TP Nam Định
Điều đặc biệt là, người dân địa phương trải nghiệm hoạt động này thông qua việc mua vé vào cổng với 10 nghìn đồng cho một tô phở. Nguồn kinh phí thu được từ việc bán vé này sẽ được Ban tổ chức sử dụng để ủng hộ những trẻ em bị bệnh bại não tại Nam Định. Theo thông tin từ Ban tổ chức, trong buổi sáng 11/12 hơn 2.000 vé phát ra đã được bán hết. Trên thực tế, từ 9h sáng cùng ngày, các gian hàng phở đã chật kín người.
Nhiều người dân Nam Định có mặt tại đây cùng có chung chia sẻ họ háo hức đến Công viên Vị Xuyên mua vé ngoài vì muốn được trải nghiệm không khí của ngày hội Phở, để thêm tự hào về món ẩm thực truyền thống của quê hương còn vì muốn được ủng hộ giúp đỡ những trẻ em không may mắn…
Như đã phản ánh, ngoài các hoạt động trên, trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động khác như cuộc thi “Đi tìm người nấu phở ngon”; thi viết, kể chuyện về Phở, “Phở xuống phố”…
Riêng chương trình “Phở yêu thương” (trao ủng hộ trẻ bị bệnh bại não tại Nam Định) sẽ được tổ chức trong ngày 12/12…