Nam Định có đường bờ biển dài 72 km, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, là thế mạnh để phát triển kinh tế và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, những năm qua tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải xâm lấn ven biển gây tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương.
Ông Vũ Đại An, Chánh văn phòng Liên hiệp quốc Hội Khoa học Kĩ thuật tỉnh Nam Định cho biết: “Nguồn rác ở đây một phần từ các sông nội đồng phần còn lại chủ yếu từ các dòng hải lưu dẫn vào bờ”.
Khảo sát ngư dân tại bến cá Giao Hải, Nam Định được biết, tại đây, mỗi ngày có 2 phiên họp chợ trao đổi, mua bán thủy hải sản. Tuy nhiên, sau họp chợ thì không để lại rác. Chủ yếu, chất thải từ nhiều nơi bị sóng biển, mưa, bão cuốn vào nên khu vực này mới bị ô nhiễm.
Để khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do rác thải nhựa gây ra cho môi trường biển, chính quyền địa phương tại Nam Định cũng đã thông qua các đợt tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự nâng cao ý thức cá nhân, phân loại và vứt rác đúng nơi quy định, không xả thải rác bừa bãi ra môi trường nhất là sông ngòi, ao, hồ,...
Anh Bùi Thanh Thuỳ, Bí thư huyện đoàn Giao Thuỷ cho biết: “Mỗi tháng huyện đoàn đều phát động ngày chủ nhật xanh, ngày thứ 7 tình nguyện để làm sạch môi trường biển”.
Phát động phong trào giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vừa qua , Đồn Biên phòng Quất Lâm, Bộ đội Biên phòng Nam Định phối hợp cùng lực lượng thanh niên của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Huyện đoàn Giao Thủy, Ủy ban nhân dân xã Giao Hải tổ chức chiến dịch "Hãy làm sạch bãi biển".
TS. Vũ Kim Chi, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết “Để chọn địa điểm biển Giao Hải là nơi đặt chân của chiến dịch, Việc khảo sát trải qua quá trình rất lâu. Từ nghiên cứu, phân tích về nguồn, nơi tích tụ và ảnh hưởng của rác thải nhựa ven biển đối với cộng đồng dân cư. Nhận thấy bãi biển Giao Hải có lượng rác thải lớn so với các bãi biển xung quanh”.
Bạn Lê Thị Hải Diệp (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: Được làm một trong những thanh niên tình nguyện tham gia chiến dịch “Hãy làm sạch biển” mình rất vui. Được đóng góp một phần nhỏ bé của mình và tuyên truyền với mọi người về ý thức bảo vệ môi trường sống nói chung và môi trường biển nói riêng”.
Chiến dịch cũng góp phần khẳng định tính tiên phong trong hoạt động cộng đồng của đội ngũ thanh niên các lực lượng, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển Nam Định đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức và ý thức của mỗi người dân.