Phát triển hạ tầng khu vực nông thôn; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, tạo sinh kế cho người nghèo; duy trì, tăng cường các hoạt động tương trợ, giúp đỡ từ cộng đồng…, là những yếu tố quan trọng, đã và đang “hợp lực” giúp tỉnh Nam Định ngày càng đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Từ “điểm sáng” tín dụng ưu đãi
Bà Trần Thị Lan (xóm 3, xã Giao Long, huyện Giao Thủy) chia sẻ, thuộc diện hộ cận nghèo, năm 2019 gia đình bà ra chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này cùng với nguồn tiết kiệm, hỗ trợ của người thân, gia đình bà đã đầu tư cải tạo đầm nuôi tôm, cá.
“Việc đầu tư thuận lợi, hiệu quả, năng suất tôm, cá đạt khá nên trừ chi phí trung bình mỗi vụ gia đình thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm, gia đình đã trả được hết gốc lãi và dành dụm được một khoản tiết kiệm”, bà Lan chia sẻ. Đến đầu năm 2022, bà tiếp tục được Chi nhánh NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo.
“Nhờ có nguồn vốn khá hơn, tôi mạnh dạn thuê thêm 1 ha đầm để mở rộng sản xuất. Ngoài nuôi tôm, cá, gia đình nuôi thêm gà, vịt. Năng suất, sản lượng, đầu ra đều tốt nên bình quân trong 6 tháng vụ đầu năm 2022, gia đình thu lãi 21 triệu đồng/tháng. Nhờ được vay vốn ưu đãi, làm ăn thuận lợi, thu nhập khá, ổn định đến nay ngoài nuôi 3 con ăn học, gia đình đã xây được nhà mới khang trang”, bà Lan cho biết thêm.
Gia đình bà Lan chỉ là một trong hơn 770.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Nam Định được vay vốn ưu đãi để làm ăn qua đó thoát nghèo, làm giàu trong những năm qua.
Thông tin tại hội nghị tổng kết 20 năm (2002-2022) thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ (tín dụng chính sách), do UBND tỉnh Nam Định tổ chức mới đây cho biết, đến nay tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách, đi sâu, đáp ứng cả các “phân khúc nhu cầu” của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Tính đến 31/8/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện ở Nam Định đạt hơn 3.741 tỷ đồng (gấp hơn 18 lần so với năm 2003), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 17,5%/năm. Hiện có 97.407 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Thông qua vốn tín dụng chính sách đã có 770.016 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Nam Định được vay vốn với doanh số cho vay đạt 12.987,4 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 9.448,5 tỷ đồng; góp phần giúp 87.491 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 59.710 lao động, 114.030 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp xây dựng 489.021 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 4.088 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 290 căn nhà cho người thu nhập thấp; 2.376 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...
Tín dụng chính sách góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005-2010 từ 13,44% xuống 9,95%; giai đoạn 2011-2015 từ 8,3% xuống 3,77%, giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 5,7% xuống 0,86% và đến cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo mới là 1,74%.
Theo ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, thực tế 20 năm qua đã chứng minh, tín dụng chính sách xã hội là "điểm sáng", công cụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng như xây dựng nông thôn mới…
Đến các hoạt động hỗ trợ của cộng đồng
Đây là những hoạt động mang tính tự nguyện, diễn ra rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, hội đoàn, tổ chức tôn giáo, dưới nhiều hình thức, hiệu quả không thể đo đếm, là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, nhất là khi gặp khó khăn, hoạn nạn; góp phần quan trọng, tích cực, hiệu quả vào kết quả giảm nghèo trên cả nước nói chung, ở Nam Định nói riêng, đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau vào cuộc sống. Trong số các hoạt động trên phải kể đến hiệu quả hoạt động của Quỹ “Vì người nghèo” các cấp.
Theo ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định, từ nhiều năm qua, MTTQ các cấp ở Nam Định và các tổ chức thành viên đã thành lập, duy trì hoạt động của Quỹ “Vì người nghèo”, lấy tinh thần “tương thân, tương ái”, lấy truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc tuyên truyền, vận động mọi người, mọi nhà, cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ quỹ. Ở các cấp huyện, cấp xã trong tỉnh cũng thành lập, duy trì hoạt động của quỹ. Nguồn ủng hộ được sử dụng giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo những việc thiết thực như sửa chữa, xây mới nhà ở; khám chữa bệnh; học hành, tạo sinh kế; thăm hỏi, tặng quà các dịp lễ, tết… Trong đó, các hộ gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo, gặp tai nạn rủi ro, hộ nghèo thuộc tuyến biên phòng, vùng đông đồng bào công giáo, vùng xa gặp nhiều khó khăn được ưu tiên quan tâm, hỗ trợ.
Việc tuyên truyền, vận động ủng hộ quỹ diễn ra quanh năm nhưng tập trung trong “Tháng cao điểm vì người nghèo” hằng năm (từ ngày 17/10 - 18/11). Vào dịp này, hình ảnh các cá nhân, đại diện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chức sắc các tôn giáo… tới trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh để trao tiền, hiện vật ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thật sự là một hình ảnh đẹp, thể hiện sinh động tinh thần đoàn kết, truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc.
Xin kể một câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Cuối tháng 5/2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định được tiếp một vị khách đặc biệt. Đó là một người đàn ông đã cao tuổi, mất một cánh tay, đi theo xe chở 2 tấn gạo tới trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với tâm nguyện nhờ tổ chức Mặt trận chuyển số gạo trên tới ủng hộ những người đang bị cách ly tại các cơ sở cách ly trên địa bàn tỉnh.
Trước đề nghị của ông, cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định đã liên hệ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định, cơ quan đang tổ chức, quản lý một số khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh. Và, ngay trong ngày, số gạo trên đã được Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Hoạt động tiếp nhận 2 tấn gạo trên đã được tổ chức ngay sau đó tại cơ sở cách ly của Quân đội, đặt tại xã Nam Vân, TP Nam Định.
Khi tâm nguyện đã hoàn thành, ông cho biết mình là Đinh Lệnh Dư, 75 tuổi, trú ở phường Văn Miếu, TP Nam Định. Từ năm 11 tuổi đã bị hoại tử, mất một cánh tay. Lớn lên, như bao người ông phải vừa vật lộn mưu sinh vừa tự đọc, tự học. Có thời gian ông phiêu bạt vào tận miền Nam chăn vịt thuê, rồi tự nuôi vịt làm giàu bằng nghề này. Cảm thương với những người có hoàn cảnh khó khăn, biết mình không còn sống được lâu, các con đã có cuộc sống riêng nên những năm cuối đời ông thường tính toán số tiền tích cóp còn lại sao cho đủ chi dùng, phần còn lại ông dành làm từ thiện. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người gặp khó khăn, ông Dư quyết định dành gần 30 triệu đồng tích cóp được, mua 2 tấn gạo ủng hộ. Địa chỉ ông gửi gắm tâm nguyện của mình là cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định.
Tính đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động quyên góp được hàng trăm tỷ đồng cùng nhiều hiện vật khác, qua đó đã hỗ trợ nhiều lượt hộ nghèo, người có hoàn cảnh éo le khắc phục khó khăn, ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Ở thời điểm hiện tại, từ nguồn vận động, quyên góp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh đã và đang phối hợp với nhà tài trợ triển khai Kế hoạch hỗ trợ 115 hộ nghèo xây mới nhà Đại đoàn kết; đảm bảo đến cuối năm 2022 các hộ được hỗ trợ sẽ được ở trong ngôi nhà mới. Đối tượng được ưu tiên hỗ trợ dịp này là hộ nghèo có nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng khắc phục làm nhà mới. Trong đó ưu tiên hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn thuộc diện chính sách, hộ gia đình có người nhiễm chất độc da cam, già cả neo đơn, ốm đau bệnh tật, gia đình có con là học sinh nghèo vượt khó, người công giáo…
Có thể nói, từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả hệ thống các chính sách giảm nghèo cùng với việc phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ của cộng đồng, tỉnh Nam Định đã và đang đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005-2010, theo thống kê giảm từ 13,44% xuống 9,95%; giai đoạn 2011-2015 từ 8,3% xuống 3,77%, giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 5,7% xuống 0,86% và đến cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo mới là 1,74% là minh chứng rõ nét.