Năm 2021 là một năm rất đặc biệt với thầy và trò cả nước. Hai năm qua, đại dịch Covid-19 mang lại những thay đổi không nhỏ với những khó khăn, thách thức mà Ngành Giáo dục và Đào tạo phải đối mặt.
Dẫu vậy, đại dịch cũng mở ra cơ hội cho toàn ngành đổi mới trong tình hình mới. Nhìn lại năm 2021, ngành giáo dục đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, tiếp tục chặng đường đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Song bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh toàn cảnh của ngành vẫn còn đó những mảng màu trầm.
Thích ứng để duy trì chất lượng
Năm 2021 đã khép lại. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành GDĐT. Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành GDĐT đã có những chỉ đạo, điều hành linh hoạt; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, quy phạm pháp luật để ứng phó với các thách thức chưa từng có tiền lệ.
Từ đợt nghỉ Tết Tân Sửu 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại nhiều đợt, việc học của gần 24 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước liên tục bị thay đổi, từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại. Cũng lần đầu tiên, năm học mới bắt đầu bằng hình thức trực tuyến.
Nếu như năm học trước, việc dạy và học trực tuyến còn mới mẻ, lúng túng thì năm học này, thầy và trò đã dần thích ứng, linh hoạt trong dạy và học. Hai năm ứng phó với dịch bệnh, nhiều giáo viên chia sẻ rằng, áp lực từ dịch bệnh đã tạo ra động lực để các thầy cô thay đổi mạnh mẽ hơn trong phương pháp dạy học.
Mặc dù còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và phương tiện, nhưng các cơ sở giáo dục ở nhiều địa phương đã kịp thời áp dụng hình thức dạy học trực tuyến và đang vượt mọi khó khăn, tích cực thực hiện kế hoạch năm học trong hoàn cảnh đại dịch. Chuyển đổi số đã giúp học sinh, sinh viên cả nước tạm dừng đến trường nhưng không dừng học. Sau những khó khăn ban đầu, đến nay giáo viên và học sinh cơ bản đã quen với các lớp học ảo.
Không chỉ có dạy và học trục tuyển, việc thi cử, tuyển sinh cũng phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Còn nhớ thời điểm giữa tháng 5 khi năm học 2020-2021 chuẩn bị kết thúc thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến trường học phải đóng cửa, năm học mới phải kết thúc sớm khi học sinh chưa làm bài kiểm tra cuối kỳ.
Kiểm tra học kỳ trực tuyến thời điểm đấy là chủ đề tranh luận sôi nổi trong suốt thời gian dài. Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về dạy học trực tuyến, trong đó có nội dung kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến giúp các trường tự áp dụng hình thức kiểm tra trực tuyến phù hợp.
Sự quyết tâm và sức mạnh cộng đồng tiếp tục được khẳng định bằng việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặc dù phải tổ chức thành hai đợt nhưng kỳ thi vẫn diễn ra thành công, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, công bằng và nghiêm túc. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên cả nước là 98,41%.
Vẫn còn nhiều lúng túng
Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 cho thấy những bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành GDĐT, song cũng bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh toàn cảnh của ngành giáo dục nước nhà trong năm 2021 vẫn còn đó những mảng màu trầm.
Đó là sai phạm nghiêm trọng của Trường Đại học Đông Đô, là nghi vấn lộ lọt đề thi môn Sinh học của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 mà đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận cuối cùng của Bộ GDĐT, là những bất cập trong SGK trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay việc giám đốc Sở GDDT của một tỉnh bị tinh giản biên chế…
Thực tế, việc dạy học online bộc lộ những thiếu hụt về cơ sở vật chất, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Số liệu của Bộ GDĐT đến thời điểm ngày 12/9/2021 cho thấy trong số khoảng 7,35 triệu học sinh đang học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố có tới 1,5 triệu em không có thiết bị học trực tuyến. Với 2.000 điểm lõm sóng internet, nhiều địa phương thậm chí không dám đăng ký nhận hỗ trợ máy tính bởi có nhận về cũng không thể triển khai học trực tuyến.
Trong khi học trực tuyến dần đi vào nền nếp thì kiểm tra, đánh giá bằng hình thức này cho tới thời điểm hiện tại vẫn đang là mối lo của nhiều người, nhất là những phụ huynh có con học lớp 1, lớp 2 và năm cuối cấp. Dù nhiều giải pháp kỹ thuật được đưa ra nhưng đây thực sự là một thách thức với ngành giáo dục khi mà không chỉ có kỳ kiểm tra học kỳ mà xa hơn là các kỳ thi cuối cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT đang cận kề.
Dịch Covid-19 đã bùng phát 2 năm nay. Quan sát tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, có thể thấy rằng, đại dịch có khả năng tồn tại với thời gian dài, chưa biết thời điểm chấm dứt. Việc dạy và thi cử trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời như trước mà phải là giải pháp lâu dài.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (Đoàn đại biểu Đà Nẵng), Bộ GDĐT dường như chưa có những động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch bệnh.
Theo bà Thúy, nhiều kế hoạch, đề án của Bộ GDĐT chưa thể hiện sự quan tâm đến hoàn cảnh đại dịch. Việc kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học trong hoàn cảnh đại dịch chưa có phương án ứng phó với nhiều cấp độ dịch khác nhau.
Về văn bản quy phạm pháp luật, Bộ cũng chưa có các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục; về cơ sở dữ liệu, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị... Những văn bản này không chỉ đáp ứng yêu cầu của chiến lược chuyển đổi số nói chung, mà còn thể hiện sự thích nghi và hỗ trợ dạy học trực tuyến.
Bà Thúy cũng cho rằng, đại dịch hoành hành giữa lúc toàn ngành giáo dục bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nếu chậm áp dụng những biện pháp hữu hiệu để ứng phó với dịch bệnh, e rằng kết quả đổi mới sẽ rất hạn chế.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong giáo dục không khó về công nghệ mà vấn đề ở nhận thức, thay đổi thói quen cùng với cơ chế chính sách, hành lang pháp lý.