Nam Phi: Gian nan đường đến trường

Hà Anh 15/11/2023 10:00

Nhiều trẻ em ở vùng nông thôn Nam Phi phải đi bộ hàng chục km để đến trường với nhiều mối nguy rình rập.

Luyanda (trái) và bạn phải đi bộ 10 km đến trường mỗi ngày. Nguồn: AP.

Vào các ngày trong tuần, Luyanda Hlali, 14 tuổi, thức dậy trước bình minh đi lấy củi và phân bò để nhóm lửa đun nước trước khi bốn anh chị em và bố mẹ thức dậy.

Buổi sáng là thời điểm bận rộn của gia đình Nhlangothi ở làng Stratford, tỉnh KwaZulu-Natal. Sau khi hoàn thành công việc, Luyanda đi bộ 10km đến trường. Trong vùng không có xe buýt đưa bọn trẻ đi học, chỉ có con đường dài đầy bụi bặm cùng mối hiểm nguy từ những kẻ xấu.

Luyanda là một trong hàng chục nghìn trẻ em ở các cộng đồng nông thôn nghèo và xa xôi nhất ở Nam Phi vẫn phải đi bộ một quãng đường dài để đến trường gần nhất, hơn 30 năm đất nước này bước vào thời kỳ dân chủ sau khi chủ nghĩa Apartheid phân biệt đối xử với người da màu, ưu tiên các quyền cho người da trắng, kết thúc.

Những khó khăn này cho thấy cơ hội tiếp cận giáo dục không bình đẳng của trẻ em địa phương. Việc thiếu phương tiện đi lại học đường do chính phủ tài trợ làm tăng thêm vô số mối nguy hiểm đối với trẻ em. Các thiếu nữ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công và cướp bóc. Các bậc cha mẹ, lãnh đạo địa phương và các nhà hoạt động cho rằng, thực tế này tiếp tục làm kéo dài tình trạng bất bình đẳng vốn có ở Nam Phi.

Ở KwaZulu-Natal, các nhà vận động đang thúc ép chính quyền cung cấp phương tiện đi lại cho hơn 200.000 học sinh như Luyanda - những đứa trẻ phải đi bộ 3 km trở lên để đến trường. Chiểu theo chính sách của chính phủ, trong trường hợp này, chính quyền phải cung cấp phương tiện đi lại cho học sinh.

Nhưng với tỷ lệ nghèo đói tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp ở đất nước 56 triệu dân lên tới hơn 25%, xe buýt trường học không nằm trong danh sách ưu tiên.

Nhà tâm lý học Melinda du Toit cho rằng thiếu phương tiện đi lại trường học phản ánh thực tế tình hình kinh tế - xã hội của Nam Phi. Những người không đủ khả năng sống ở khu vực thành thị sẽ tiếp tục thiếu các dịch vụ cơ bản.

Một báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, trải nghiệm của trẻ em ở Nam Phi “vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nơi chúng sinh ra, mức độ giàu có và màu da của chúng”. Theo báo cáo, hệ thống giáo dục của Nam Phi “tiếp tục bị cản trở bởi sự bất bình đẳng rõ rệt và tình trạng kém hiệu quả kinh niên có nguồn gốc sâu xa từ di sản chế độ phân biệt chủng tộc nhưng không được chính phủ giải quyết một cách hiệu quả”.

Ở KwaZulu-Natal, nơi có hơn 30% trong số 12,4 triệu dân thất nghiệp và đang sống nhờ trợ cấp xã hội, nhiều người phải lựa chọn giữa việc mua thực phẩm hoặc trả 350 rand Nam Phi (khoảng 19 USD) mỗi tháng cho phương tiện giao thông công cộng.

Bà Bongiwe Nhlangothi - bà của Luyanda - cho biết: “Đôi khi những đứa trẻ này đến trường mà không ăn sáng”. Nhưng điều khiến bà Nhlangothi lo sợ nhất là việc những đứa cháu của bà phải đi bộ một quãng đường dài đến trường học.

Bà Nhlangothi nói: “Có những kẻ nghiện ma túy quanh đây, khi bắt gặp trẻ em vào lúc sáng sớm, chúng cướp điện thoại, dùng dao đe dọa và tìm cách cưỡng hiếp”.

Hiệu trưởng một trường học ở ngôi làng nằm cách thị trấn Dundee khoảng 50km kể lại cuộc đấu tranh của ông để dự án xe buýt trường học được phê duyệt sau khi một số nữ sinh bị bọn côn đồ địa phương cưỡng hiếp. “Xe buýt hết chỗ và các em phải đi bộ đến trường” - vị hiệu trưởng cho biết.

Hai xe buýt cũ của trường chở được khoảng 65 học sinh trong khi có hơn 400 em. Vị hiệu trưởng cho biết, ông lo ngại một ngày không xa, một trong hai xe buýt gặp sự cố hoặc hỏng đến mức không thể sửa chữa.

Tháng 9/2022, 18 học sinh trong tỉnh thiệt mạng khi chiếc xe buýt nhỏ nhồi nhét quá nhiều người gặp tai nạn trên đường đến trường ở thị trấn Pongola.

Ông Matthew Ngcobo, ủy viên hội đồng ở khu đô thị Endumeni, kể về một khe núi - nơi trẻ em phải đi bộ qua một con sông nông nhưng chảy xiết. “Nơi này rất nguy hiểm. Hãy tưởng tượng trẻ em phải trải qua đây hàng ngày để được tiếp cận với giáo dục” - ông Ngcobo nói.

Một số phụ huynh đã phải cho con ở nội trú hoặc thuê trọ gần trường nhưng điều đó tốn kém và khiến họ mất đi nhân lực quý giá giúp đỡ công việc ở nhà.

Bayanda Hlongwane, học sinh lớp 9 trường Ebusi ở làng Wasbank, cho biết em thường xuyên đến lớp muộn, không được vào lớp. Em cầu xin bố mẹ cho em được sống gần trường hơn và hiện Bayanda ở với họ hàng, cách trường khoảng 2 km.

Nhà hoạt động Tebogo Tshesane làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Giáo dục bình đẳng cho biết, chiến dịch cải thiện giao thông trường học trên khắp KwaZulu-Natal bắt đầu từ năm 2014, được khơi dậy bởi những lá thư của học sinh phải đi bộ hai giờ đến trường.

Số liệu mới nhất của chính phủ Nam Phi cho thấy, 1.148 trường học ở KwaZulu-Natal nằm trong danh sách chờ xe buýt trường học do chính phủ tài trợ.

“Nhưng trước mắt các em vẫn cứ phải tự bước đi. Đó là một thử thách hằng ngày” – ông Tshesane nói.

Phát biểu tại Phiên họp thứ 5 Ủy ban Chính sách xã hội, Nghèo đói và Giới, Ủy viên Liên minh châu Phi Mohamed Belhocine kêu gọi chính phủ các nước châu Phi, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân hợp tác để đầu tư vào giáo dục và phát triển kỹ năng, đảm bảo rằng, sự đầu tư này đến được với những cộng đồng bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Phi: Gian nan đường đến trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO