Trong vài tháng qua, khi những cơn mưa xối xả đổ xuống quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) vào giờ tan tầm lại khiến người lớn và trẻ em như bơi trong nước. Tại các tuyến đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Cây Trâm…, nước lênh láng khắp nơi, ô tô, xe máy dồn cục, giao thông đi lại bị ách tắc nghiêm trọng. Khi nước rút đi, mọi người mới nhận thấy các miệng cống thoát nước đầy ứ rác.
Song hành với tình trạng ngập nước là nạn rác thải. Tại quận Bình Thạnh, đường Nguyễn Hữu Cảnh, sau mỗi trận mưa lớn là đủ các loại chai, hộp nhựa, rau củ quả được các công nhân vệ sinh môi trường vớt lên từ cống thoát nước trên đường. Ngay tại trung tâm quận 1, miệng cống thoát nước tại góc đường Nguyễn Siêu - Thái Văn Lung đen đặc các loại rác như túi nylon, chai nhựa, khẩu trang, chổi đót... Còn trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), cứ tối đến khi dọn hàng xong, những người bán hàng rong lại đổ hết rác vào miệng cống.
Tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh đi qua địa bàn huyện Bình Chánh, cũng có rất nhiều rác thải, bốc mùi hôi thối. Người dân cho biết, đã từ lâu, khu vực này bị biến thành nơi tập kết rác tự phát. Mỗi ngày có rất nhiều xe chở rác từ nơi khác đổ bừa tại đây. Họ thường chọn thời điểm đêm khuya, vắng người để đổ rác. Người dân cũng đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng tình trạng này không thuyên giảm. Điều đáng nói là tại khu vực này vẫn còn một số hộ gia đình chưa được cung cấp nước sạch. Họ sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt. Nguồn nước bẩn từ kênh rạch, ao hồ và nước rỉ rác thẩm thấu vào nguồn nước ngầm, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước giếng khoan, cũng là nước sinh hoạt của người dân. Hệ quả là dịch bệnh phát sinh.
Mới đây, trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” về vấn đề ngập nước tại TPHCM, trong một số nguyên nhân được chỉ ra là việc người dân xả rác bừa bãi xuống cống làm nước không thể thoát là lý do ngập. Lãnh đạo HĐND TP HCM đã thay mặt chính quyền xin lỗi các công nhân vớt rác, đồng thời cũng khuyến cáo người dân thành phố để rác đúng nơi quy định.