Nan giải nhà ở cho công nhân

Hồ Hương 17/10/2023 06:37

Khoảng 80% số lao động chưa có nhà ở, phải thuê nhà do người dân tự đầu tư xây dựng trong các khu dân cư. Chưa kể nhiều khu nhà ở xây dựng cho công nhân bộc lộ rất nhiều bất cập.

Nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn.

20 người ở chung 1 phòng

Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội chia sẻ, nhà ở là vấn đề cấp thiết, bức xúc với công nhân lao động nói chung, công nhân ở khu công nghiệp chế xuất nói riêng. Thế nhưng, có một vấn đề qua khảo sát cho thấy, có dự án nhà ở cho công nhân được đầu tư xây dựng và đã đưa vào sử dụng lại phát sinh những bất cập. Ví dụ 15 khu nhà xã hội ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội đang có nhiều bất cập trong quản lý. Một số khu nhà còn phòng trống nhưng công nhân không tiếp cận được. Hoặc công năng phòng ở không phù hợp với thực tế. Đơn cử, một căn hộ tập thể thiết kế cho 20 công nhân ở nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh.

Thực tế cũng chỉ ra nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh đang xuống cấp. Khu nhà ở này được xây dựng trên diện tích đất 20ha, với thiết kế được phê duyệt bao gồm 28 đơn nguyên nhà. Cụ thể, có 24 đơn nguyên nhà cao 5 tầng (với 1.084 căn hộ phục vụ 9.168 chỗ ở thuê); 4 đơn nguyên nhà cao 15 tầng (với 448 căn hộ phục vụ 2.352 chỗ ở thuê).

Trong đó, nhà CT1(A,B) với 224 phòng phục vụ hộ gia đình với 896 chỗ ở; nhà CT2, CT3 với 224 Phòng phục vụ hộ độc thân với 1.456 chỗ ở. Hiện khu nhà ở có khoảng 9.000 công nhân đang sinh sống, tỷ lệ lấp đầy khu nhà ở đạt khoảng 80%.

Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) Bùi Dũng cũng đã từng thừa nhận khu nhà ở công nhân Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) dù được thiết kế, xây dựng cung cấp chỗ ở cũng như giá cho thuê phù hợp với các đối tượng: Đơn thân (phòng ở tập thể), hộ gia đình (căn hộ khép kín). Tuy nhiên, các thiết kế này mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ chứ chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội...

Theo thống kê, trên địa bàn toàn TP Hà Nội hiện có gần 170 nghìn công nhân khu công nghiệp, trong đó người ngoại tỉnh chiếm khoảng 80%. Tuy nhiên, thành phố mới có 3 khu công nghiệp (Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa) có dự án nhà ở, đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân. Khoảng 80% số lao động chưa có nhà ở, phải thuê nhà do người dân tự đầu tư xây dựng trong các khu dân cư.

Còn tính chung, cả nước đang có khoảng 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Nhà ở công nhân mặc dù đã hoàn thành đầu tư xây dựng 122 dự án, với quy mô khoảng 2,7 triệu m2 sàn, vậy nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Câu chuyện về nhà ở cho công nhân đã được nhiều chuyên gia nhắc đến với cụm từ: Vừa thiếu vừa yếu.

Anh Nguyễn Văn Linh (Công ty xây lắp 1, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam) chia sẻ, nhiều công nhân đang gặp nhiều khó khăn về nhà ở, nhu cầu thuê nhà của công nhân là rất lớn. Nếu có nhà để mua thì công nhân rất muốn được vay để mua nhà trả góp với lãi suất thấp.

Tích lũy vài chục năm mới mua được nhà

Phần lớn công nhân đi làm đều có một mong ước, đó là sở hữu được một căn nhà, nhưng với mức lương (trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội (NOXH).

Theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động) Vũ Minh Tiến, kể cả khi có NOXH thì với mức lương như hiện nay, công nhân lao động cũng rất khó có thể mua nhà.

"Hai vợ chồng công nhân phải nuôi hai đứa con, với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/tháng thì theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi họ tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng cũng phải mất bình quân từ 10 - 20 năm mới có thể tích lũy mua được nhà. Thậm chí có gia đình công nhân không bao giờ mua được nhà vì lương hàng tháng không đủ chi tiêu" - ông Tiến nhận định và cho rằng, để công nhân tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cấp chính quyền, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn... Đặc biệt, cần có sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức, người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, để công nhân có nơi ăn ở ổn định, phù hợp điều kiện thu nhập (khoảng 6-8 triệu đồng/tháng, cần có quỹ để xây dựng nhà cho thuê cho công nhân. Bên cạnh đó, cần có chính sách thực tiễn, khả thi, chính sách tín dụng hợp lý... để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở cho công nhân thuê...

Để phát triển nhà ở cho công nhân, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó, đã ban hành Nghị quyết 33 với nhiều mục tiêu, giải pháp cho vấn đề này… Thủ tướng cũng đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Trong đó, đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra. Đây là một đề án cụ thể, sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải nhà ở cho công nhân