Nan giải phân luồng sau THCS

Bảo Thoa 15/08/2017 08:15

Năm học 2017- 2018 chưa chính thức bắt đầu, nhưng những lo lắng muôn thuở của cả phụ huynh và học sinh về một mùa thi mới đã nhen nhóm bắt đầu.

Thậm chí thông tin về phương thức tuyển sinh mới vào lớp 10 công lập của Thủ đô đang khiến các bậc cha mẹ rất băn khoăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có rất ít phụ huynh và học sinh quan tâm tới việc phân luồng sau tốt nghiệp THCS.

Trước những băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc từ năm học 2018 tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức thi 3 môn, gồm: Toán, Văn và Ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 10, thay vì thi 2 môn Toán, Văn và kết hợp với điểm xét tuyển học bạ 4 năm THCS như lâu nay vẫn làm, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, việc thi 3 môn để tuyển sinh vào lớp 10 chắc chắn sẽ chưa áp dụng vào năm 2018.

Trên thực tế, thời gian qua, Hà Nội đã thử đưa vấn đề này ra bàn bạc ở một vài hội thảo và tham vấn ý kiến chuyên gia, nhưng cũng có nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Hiện tại Hà Nội mới chỉ áp dụng đưa môn ngoại ngữ là môn thi điều kiện (bắt buộc) với học đăng ký tuyển sinh hệ chuyên tại 4 trường chuyên: Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây.

Việc tuyển sinh vào lớp 10 không chuyên vẫn chỉ kết hợp thi tuyển 2 môn Văn, Toán và xét học bạ 4 năm trung học cơ sở. Trong khi tuyển sinh lớp 10 ở nhiều nhiều địa phương đã tổ chức thi 3 môn hoặc thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.

Từ thực tế tuyển sinh lớp 10 THPT nhiều năm qua cho thấy, xu hướng chen chân vào trường công vẫn là lựa chọn của đa số học sinh và phụ huynh.

Ông Kiều Văn Minh - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ với các bậc phụ huynh: Việc lựa chọn vào lớp 10 THPT công lập không phải là hướng đi duy nhất.

Hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm giáo dục thường xuyên kết hợp với dạy nghề. Nhiều trung tâm trong số này có mô hình hoạt động dạy và học phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của học sinh và phụ huynh cũng như nhu cầu thị trường lao động.

Học sinh cũng học 3 năm nhưng chỉ học 7 môn văn hóa thay vì 11 môn như ở trường THPT. Bên cạnh đó, các trung tâm này sẽ kết hợp việc dạy nghề cho học sinh với các trường Trung cấp chuyên nghiệp.

Một lợi thế mà phụ huynh, học sinh nên cân nhắc là kết thúc 3 năm học, học sinh thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp THPT như theo học chương trình phổ thông bình thường đồng thời có thêm bằng kép học nghề.

Theo chủ trương, trong năm 2017, Hà Nội và TPHCM là hai địa phương sẽ đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau khi học xong bậc THCS.

Việc phân luồng được thực hiện trên cơ sở cắt giảm chỉ tiêu vào các trường THPT công lập, tạo cơ hội tuyển sinh thuận lợi cho các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở đào tạo nghề, trung cấp nghề với tiêu chuẩn học sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp THCS. Tỉ lệ phân luồng cho học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào lớp 10 công lập là 70% và 30% ngoài công lập, học nghề.

PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cũng cho hay, từ năm 2017, học sinh tốt nghiệp THCS có thể được lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu: Nếu bản thân thấy khó khăn trong học văn hóa và không có nhu cầu liên thông thì được chọn đào tạo tập trung về tay nghề, còn nếu có nguyện vọng liên thông sau này thì có thể chọn chương trình đào tạo vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa; để khi tốt nghiệp vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tương đương bằng tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện liên thông lên các trình độ đào tạo cao hơn. Rõ ràng chính sách mới này đã tạo điều kiện cho cả nhà trường và người học.

Đặc biệt có lợi cho những học sinh học văn hóa khó khăn và có xu hướng học nghề để có thể nhanh chóng ra nghề có việc làm ngay.

Dẫu thế, bức tranh mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017- 2018 tại Hà Nội vừa rồi đã cho thấy rõ nhất, học sinh và phụ huynh vẫn không mặn mà với chủ trương phân luồng sau THCS lâu nay.

Ở các thành phố lớn đại đa số các phụ huynh học sinh hầu như chưa có ý định để con học xong lớp 9 là đi học nghề, làm thợ. Tâm lý chung của các bậc làm cha làm mẹ là các cháu còn nhỏ tuổi nên hướng học nghề là còn quá sớm, cần tiếp tục học hết bậc PTTH... rồi tính.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra thiếu tin tưởng vào cơ sở đào tạo nghề, chất lượng đào tạo và lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của con em mình.

Nhiều mùa tuyển sinh vào lớp 10 đã qua đi, nhưng mối băn khoăn làm thế nào để các em học sinh sau khi học xong lớp 9 có thể mạnh dạn, tự tin bước vào học nghề, làm thợ vẫn chưa có lời giải.

Theo các chuyên gia, đây không chỉ là câu chuyện tư vấn, hướng nghiệp mà còn cần cả những tư vấn về tâm lý. Lớn lao hơn thế, còn là xu hướng của một xã hội phát triển.

Theo đó, về công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông cần phải đổi mới theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, trình độ của người học.

Từ đó dần thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh học sinh về học nghề. Bởi suy cho cùng, dù học hành thế nào mỗi người cũng cần vững một nghề để lập thân, lập nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải phân luồng sau THCS