Trong khi chờ đợi TP Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 năm học 2024-2025, các trường THCS trên địa bàn đã chủ động tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng, phân luồng học sinh.
Định hướng đúng đường, giảm áp lực học sinh
Là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh, những năm gần đây, TP Hà Nội đối diện với nhiều khó khăn trong việc giải quyết chỗ học cho học sinh, nhất là tại các quận, nơi có khu công nghiệp, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Theo thống kê, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 của thành phố tăng 5.000 em so với năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực cạnh tranh để có “một tấm vé” vào lớp 10 THPT công lập ở thành phố sẽ càng lớn.
Trong khi đó, mong muốn chung của hầu hết phụ huynh là con sẽ học tiếp lên cấp THPT chứ không phải theo học trường nghề. Vì vậy, để thực hiện công tác phân luồng, ngay từ năm học đầu cấp, các trường THCS đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể.
Thầy Nguyễn Hữu Hiệp – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) cho hay, muốn đạt được thành công trong công tác hướng nghiệp, phân luồng cần có sự phối hợp của gia đình học sinh và giáo viên chủ nhiệm.
Do đó, giáo viên chủ nhiệm ngoài việc phải nắm chắc năng lực, sở trường của học sinh còn phải hiểu tâm lý, đặc điểm, hoàn cảnh gia đình của các em để tư vấn hiệu quả.
Công tác này cũng được nhà trường thường xuyên lồng ghép trong các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, buổi sinh hoạt tập thể của lớp, của trường và các buổi họp phụ huynh. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhà trường đều tổ chức ngày hội hướng nghiệp và việc làm dành cho học sinh và phụ huynh toàn trường.
“Hướng đi đúng đắn, phù hợp với năng lực học sinh không chỉ giúp cho các em không phải chịu áp lực không đáng có, nhất là áp lực thi cử, học hành mà còn giúp học sinh đó có cơ hội nghề nghiệp tốt nhất, phù hợp với chính mình”, thầy Hiệp cho hay.
Xác định loại hình trường phù hợp
Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) có 14 lớp 9 với tổng số 599 học sinh. Công tác phân luồng đã được nhà trường triển khai từ năm lớp 8.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, cô Trịnh Diệu Hằng – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh được chia thành 4 nhóm theo năng lực, nguyện vọng và có kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp. Trong đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc bổ trợ học sinh khó khăn trong học tập.
Đến năm lớp 9, giáo viên chủ nhiệm lớp cập nhật thường xuyên thông tin tuyển sinh lớp 10 của các loại hình trường như chuyên, công lập, tư thục, trường nghề... để phụ huynh nắm bắt, tìm hiểu.
Cô Hằng thông tin, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường sẽ tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tạo cơ hội để học sinh, phụ huynh gặp gỡ trực tiếp với đại diện các trường tư thục, trường nghề...
Nhìn nhận mong muốn của phụ huynh là con tiếp tục học lớp 10 THPT là nguyện vọng chính đáng, tuy nhiên, cô Hằng cho hay, nhà trường luôn lưu ý phụ huynh cần thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để biết mức độ của con ở đâu để đánh giá đúng thực lực và xác định loại hình trường phù hợp và hỗ trợ con đạt mục tiêu đó.
“Nếu con ở đối tượng khó khăn trong học tập, phụ huynh cần cởi mở tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường nghề. Sau 3 năm học nghề, các em vừa có bằng nghề vừa có bằng THPT. Khi đó, các em sẽ gia nhập thị trường lao động sớm. Đấy là ý nghĩa của việc hướng nghiệp”, cô Hằng nêu quan điểm.
Tới thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố phương án thi vào lớp 10 với điều chỉnh giảm số lượng môn thi theo hướng chỉ tổ chức thi 3 môn thi để giảm áp lực cho học sinh.
Trong khi đó, Hà Nội vẫn chưa chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025.
Áp lực lớn nên thời điểm này, hầu hết học sinh, phụ huynh đều mong muốn thành phố sớm chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để học sinh yên tâm học và ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới.