Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có 250 công trình nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có khoảng 1/3 số công trình đang hoạt động và cấp nước, phần còn lại đã ngưng hoàn toàn. Đáng chú ý hơn, quá trình xây dựng, vận hành, quản lý các công trình đều có nhiều vấn đề không hợp lý, dẫn tới hiệu quả thấp, lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Theo đó, đa số các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn của tỉnh Đắk Nông được xây dựng từ thời điểm thành lập tỉnh (2004) đến năm 2010 và có quy mô nhỏ. Việc vận hành công trình sau khi được xây dựng, bàn giao chủ yếu do các tổ dùng nước (do UBND cấp xã thành lập, giao nhiệm vụ) hoặc ban tự quản các bon, buôn, thôn quản lý. Trên thực tế, đa số các nhân viên đều không có chuyên môn nghiệp vụ liên quan tới việc cấp nước, cũng không được đào tạo, tập huấn thường xuyên, các vấn đề về thù lao, chế độ quá thấp. Thêm nữa, quá trình khảo sát, đánh giá trước khi xây dựng các công trình không sát thực tế, dẫn tới hầu hết các công trình cấp nước tập trung khi đưa vào sử dụng đều có số hộ đấu nối và sử dụng nước thấp hơn so với thiết kế.
Đáng chú ý hơn, hiện nay, nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp, nhất là đài nước (được xây cao để đặt bồn nước) có nguy cơ đổ sập, dễ gây tai nạn cho các hộ dân xung quanh. Mấy năm gần đây, mực nước ngầm giảm mạnh cũng khiến nhiều công trình lâm vào cảnh bỏ hoang vì không bơm được nước.
Theo Sở NNPTNT Đắk Nông, hiện trong số 245 công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước, chỉ có 81 công trình đang hoạt động, các công trình còn lại ngưng hoạt động (chiếm 2/3 tổng số). Trong số các công trình ngưng hoạt động, có 108 công trình đã hư hỏng hoàn toàn hoặc người dân xung quanh không còn nhu cầu sử dụng nước và đang chờ thanh lý.
Đáng chú ý hơn, nguồn kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình hầu như không đáng kể, trong khi nguồn thu từ việc cấp nước thường xuyên trong tình trạng không đủ chi. Kết quả là các công trình xuống cấp nhanh chóng và dẫn tới hư hỏng, bỏ hoang.
Trước tình trạng này, Sở NNPTNT Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành bảng giá nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh và có chính sách cấp bù giá nước phù hợp để các công trình vận hành hiệu quả hơn, có nguồn thu ổn định, tự cân đối được thu – chi; có chính sách hỗ trợ chi phí sửa chữa định kỳ đối với các công trình hoạt động hiệu quả.
Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan hoàn thiện quy chuẩn về đầu tư, quản lý, khai thác, tập huấn đội ngũ trực tiếp vận hành, quản lý các công trình nước sạch tập trung nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, vận hành các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong bối cảnh tình trạng khô hạn và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.