Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, các thống kê cho thấy lượng kháng sinh được nhập khẩu và sản xuất trong nước có chiều hướng tăng hàng năm.
Tại Hội thảo khoa học “Thách thức mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm” diễn ra cuối tuần qua tại TPHCM, một lần nữa vấn đề kháng kháng sinh lại được đặt ra.
Hầu hết các bệnh viện phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị cho người bệnh do tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng.
Nhiều vi khuẩn kháng trên 90% các loại thuốc kháng sinh
Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các bệnh viện trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Tại Hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức về bệnh truyền nhiễm được báo cáo nhằm nâng cao chất lượng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý truyền nhiễm hiện nay.
Theo TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM, “với tỷ lệ đề kháng kháng sinh ngày càng cao như hiện nay đã gây ra nhiều thách thức lớn trong công tác điều trị bệnh truyền nhiễm bởi có nhiều loại vi khuẩn đã đề kháng trên 90% kháng sinh, chỉ còn nhạy cảm với Colistin”.
Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho thấy, từ năm 2016-2018, có 5 loại vi khuẩn thường gặp nhất và có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất là A.baumannii, E.coli, S.aureus, K.pneumoniae, P.aeruginosa. Trong các loại vi khuẩn có vi khuẩn A.baumannii kháng hầu hết các loại kháng sinh, kháng luôn cả kháng sinh họ Carbapenem (họ kháng sinh có phổ tác dụng lớn nhất và được ưu tiên sử dụng điều trị các nhiễm khuẩn nặng) và chỉ còn nhạy cảm với Colistin.
Các vi khuẩn khác như K.pneumoniae đề kháng carbapenem trên 30%. Các trực khuẩn gram âm B.pseudomallei, A.eromonas sp., V.vulnificus tuy xuất hiện với tỷ lệ thấp và tỷ lệ đề kháng kháng sinh còn thấp nhưng gây nhiễm khuẩn huyết và viêm mô tế bào nghiêm trọng.
Nguyên nhân của tình trạng kháng kháng sinh được các bác sĩ chỉ ra là do thói quen tự mua thuốc khi mắc bệnh của không ít người dân. Có tới 91% phụ nữ nông thôn và 88% phụ nữ ở thành thị thừa nhận thường xuyên mua thuốc kháng sinh ở các tiệm thuốc tây để điều trị cho con.
50% kháng sinh sử dụng trong bệnh viện không hợp lý
Góp phần vào nguyên nhân kháng kháng sinh còn có tình trạng lạm dụng chỉ định kháng sinh không cần thiết của một số bác sĩ. Ví dụ, bệnh nhân không bị bệnh lý nhiễm khuẩn nhưng lại được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, hoặc chỉ định sử dụng kháng sinh không thích hợp như chọn kháng sinh khởi đầu không phù hợp, chọn sai liều dùng, sai đường dùng...
Bên cạnh đó, cơ sở y tế cũng là tác nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh khi thực tế nhiều cơ sở không thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm vi sinh trước và trong quá trình điều trị kháng sinh; không tổng kết, thu thập, báo cáo thông tin khi điều trị thất bại; không thực hiện chế độ kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện...
Thời gian qua, tại một số bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định... đã xây dựng chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện nhằm giúp các bác sĩ lâm sàng lựa chọn kháng sinh điều trị có hiệu quả hơn, tuy nhiên tỷ lệ gia tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn vẫn có khuynh hướng tiếp tục gia tăng, tỷ lệ xuống thang kháng sinh hợp lý còn chưa được cải thiện đáng kể…
Tuy nhiên, một con số thống kê được nêu ra khiến nhiều người lo ngại, đó là có tới hơn 50% kháng sinh sử dụng trong các bệnh viện hiện nay không hợp lý. “Có nhiều trường hợp sử dụng kháng sinh không cần thiết trên bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn, chỉ nghi nghi là dùng hoặc dùng theo kiểu dự phòng. Kế đến là sử dụng kháng sinh không thích hợp khi bác sĩ chọn sai yếu tố, sai liều và sai thời điểm. Đặc biệt việc sai này thường xảy ra ở khối ngoại khoa”- bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) khuyến cáo.
Theo bác sĩ Hùng, thực trạng kháng kháng sinh hiện nay đang là vấn đề bức bách của toàn cầu. Việc này kéo theo hàng loạt nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn trong bệnh viện, chi phí điều trị và tỉ lệ tử vong của người bệnh.