Theo khảo sát từ các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường InsightAsia Research Group cho thấy một trong những khó khăn, trăn trở của các DN chính là vấn đề nhà xưởng sản xuất.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cũng nhiều lần phản ánh tình trạng DN “khát” mặt bằng sản xuất, phải “chạy” về các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hoặc bám trụ tại các khu dân cư và kiến nghị lãnh đạo thành phố hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DN. Cũng theo ông Việt Anh, cách đây 5-6 năm, Hiệp hội DN TP HCM từng kiến nghị UBND thành phố giao cho hiệp hội một khu đất khoảng 200 ha để quy hoạch làm công nghiệp phụ trợ, tập trung các DN công nghiệp phụ trợ 5 lĩnh vực ưu tiên gồm cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, dệt may, da giày. UBND TP HCM cũng đã thống nhất là phải có khu riêng cho DN nhỏ và vừa. Mặc dù vậy, đến nay các DN vẫn đang trong tình trạng chờ.
Tình trạng khan hiếm đất cũng diễn ra tại các Khu công nghiệp – Khu chế xuất (KCX-KCN). Ban Quản lý KCX-KCN TP HCM (Hepza) vừa công bố thông tin có đến 11 KCX-KCN trên địa bàn có “diện tích đất còn lại sẵn sàng cho thuê” là 0 ha. 7 khu còn lại thì diện tích đất sẵn sàng cho thuê rất ít, chỉ vài chục hecta mỗi khu.
Ông Trần Việt Hà, Trưởng Phòng Quản lý Đầu tư Hepza, cho biết từ đầu năm đến nay, rất nhiều DN trong lẫn ngoài nước có nhu cầu thuê đất nhưng tỉ lệ được tiếp nhận rất ít. “Đất tại các KCX-KCN vẫn còn nhưng đất đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thì ít do vướng đền bù giải tỏa hoặc vấn đề pháp lý.
Điều đáng nói, giá thuê đất công nghiệp đang tăng mạnh cũng là một thách thức lớn cho các DN nội địa trong việc đầu tư nhà xưởng sản xuất. Hiện nay mức giá thuê đất công nghiệp trung bình ở miền Nam và miền Bắc tại Việt Nam là 95USD/m2/thời hạn thuê, tăng so với cùng kỳ năm trước đó. Việc tăng mức giá thuê đất công nghiệp này được cho là vì các công ty nước ngoài tìm cách mở rộng và dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam do ảnh hưởng thương chiến Mỹ - Trung.
Trao đổi về giải pháp, ông Trần Hữu Hạnh, giám đốc một công ty chế biến thực phẩm ở Bình Dương cho rằng, về lâu về dài DN phải nghĩ đến chuyện xây nhà xưởng chứ không thể đi thuê mãi được. Bởi vì nếu như DN sản xuất nào mà nguồn vốn đã có sẵn, hoạt động kinh doanh đã ổn định thì sẽ có xu hướng muốn sở hữu nhà xưởng ngay thay vì phải đi thuê. “Sở hữu nhà xưởng sẽ giúp chúng tôi giảm bớt mối lo về nơi sản xuất. Khi đó công ty của chúng tôi chỉ tập trung đến việc phát triển và mở rộng quy mô hoạt động mà thôi”, ông Hạnh bày tỏ.