Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây. Bên cạnh tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các chỉ số vĩ mô đều ở mức tích cực. Nhưng vấn đề được quan tâm lúc này chính là chất lượng của tăng trưởng. Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường.
Ông Nguyễn Trí Hiếu.
PV:Thưa ông, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 được đánh giá là tiếp tục khởi sắc khi GDP tăng cao, tuy nhiên vẫn có băn khoăn tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa đi kèm với chất lượng tăng trưởng. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về đánh giá trên?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Trong 3 quý đầu năm, GDP đã tăng 6,98%, là mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Về mặt kinh tế vĩ mô là rất tốt; nhưng tốc độ tăng trưởng phải gắn liền với chất lượng tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng bao gồm nhiều yếu tố: Từ chất lượng cuộc sống của con người, chất lượng sản phẩm, chất lượng môi trường sống của toàn xã hội.
Và, đúng là chất lượng cuộc sống hiện nay chưa tương đồng với chất lượng tăng trưởng vật chất; trong đó vấn đề lớn nhất là môi trường. Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ ở khu vực phía Nam gây ra triều cường, xâm nhập mặn, sạt lở. Ở các thành phố lớn, như Thủ đô Hà Nội có những lúc ô nhiễm bụi lên đến mức báo động. Bên cạnh đó là những vấn đề như tệ nạn xã hội, tội phạm giết người, đâm chém nhau, ma túy, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn gia tăng. Điều đó cho thấy chất lượng cuộc sống chưa đi liền theo với tốc độ tăng trưởng.
Một lực cản lớn của nền kinh tế hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của ta còn ở mức thấp. Đây là vấn đề đã được nhắc nhiều lần trong những năm gần đây nhưng chưa được cải thiện, theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động chưa cao. Muốn cải thiện hai vấn đề trên, chúng ta phải đào tạo và tái đào tạo lại nguồn nhân lực, nhất là ở trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quản trị của các doanh nghiệp phải được thay đổi, làm sao tạo ra động lực cho người lao động phấn đấu vươn lên bằng các cơ chế khen thưởng, ưu đãi. Làm sao tạo ra không khí dân chủ hơn để phát huy các sáng kiến của người lao động trong quá trình sản xuất, đồng thời chất lượng lao động còn phụ thuộc vào tư duy của người lãnh đạo trong quá trình sử dụng lao động.
Hiện nền kinh tế đang bắt nhịp vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy quá trình tái đào tạo nên tập trung vào những ngành, lĩnh vực nào, thưa ông?
- Tôi lưu ý rằng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động thì việc tái đào tạo lại lao động là vấn đề vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, thay đổi toàn diện sự vận hành của nền kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế của ta chủ yếu là lao động chân tay. Từ quy trình sản xuất cho đến phục vụ, hay phân phối hàng hóa cũng chủ yếu là lao động tay chân. Đặc biệt 60% lao động của nước ta sống ở nông thôn, lao động chủ yếu là dùng sức; ít sử dụng máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất nên năng suất đem lại cũng không cao. Vì thế cần đào tạo và tái đào tạo lại để biến nền kinh tế Việt Nam từ nền kinh tế lao động giá rẻ, sang nền kinh tế tập trung vào dịch vụ và kỹ thuật số.
Muốn chuyển đổi, chúng ta phải đào tạo lại lao động, nâng cao trình độ, kiến thức sử dụng phương tiện hiện đại như Internet, lập trình kỹ thuật số, điện thoại thông minh, làm quen dần với cách chuyển từ lao động chân tay sang hệ thống điều hành bằng kỹ thuật số digital.
Từ hạn chế chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống, theo ông làm sao nâng cao được chất lượng tăng trưởng trong trong đoạn hiện nay?
- Chất lượng tăng trưởng bao gồm nhiều yếu tố như tôi nói trên; nhưng theo tôi, muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường. Vì tăng trưởng của một xã hội, trên lý thuyết là tăng trưởng kinh tế nhưng thực tế là tác động nhiều đến môi trường sống của con người- và đó cũng là giới hạn của tăng trưởng. Tăng trưởng không thể đến mức làm hủy hoại bầu không khí, đất đai, phá rừng để phát triển công nghiệp. Đến một ngưỡng nào đó khi môi trường bị phá hủy thì tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa cho nên thế giới mới có “giới hạn về sự tăng trưởng” là như vậy.
Trân trọng cảm ơn ông!