Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được xem là hướng đi đúng của TPHCM. Hình thức này đã phát huy hiệu quả lợi thế của thành phố, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn mới.
Tạo “lực đẩy” cho các cơ sở sản xuất
Mục tiêu của TPHCM đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 124 sản phẩm OCOP, với 100 xã nông thôn mới được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Đồng thời, ưu tiên các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia Đề án Chương trình OCOP của thành phố.
Theo thống kê của Văn phòng điều phối Nông thôn mới TPHCM, đến nay, thành phố có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, 6 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt 4 sao. Ngoài ra, có 1 sản phẩm là bột rau má có đường của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên nhiên Việt đang được đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Bà Nguyễn Thúy Lệ Hằng - đại diện Văn phòng đánh giá, xây dựng và triển khai Chương trình OCOP của thành phố đã góp phần khuyến khích nhiều DN, HTX, hộ dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang phát triển rau, hoa cảnh, cá cảnh, bò sữa, tôm nước lợ. Đặc biệt, việc ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã khuyến khích DN, HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn ở ngoại thành.
“Đây là đòn bẩy thúc đẩy nâng cao giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố, nâng cao thu nhập cho lao động ngoại thành” - bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa giảm trên 1000 ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm. Nhưng nhờ việc ban hành và triển khai thực hiện chính sách mà nhiều DN, hộ nông dân đã tăng cường ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, năm 2008 giá trị sản xuất chỉ đạt 117,5 triệu đồng/ha/năm thì đến nay đạt gần 700 triệu đồng/ha, cao nhất cả nước, gấp hơn 5 lần bình quân cả nước.
Trong khi đó, số lượng HTX tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố được thành lập và đưa vào hoạt động ngày càng nhiều. Khá nhiều HTX hoạt động có hiệu quả và xây dựng được thương hiệu sản phẩm riêng của mình. Ngoài ra, DN, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP cũng đang triển khai thực hiện theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để sản xuất sản phẩm, là các quy trình.
Là một đơn vị khá thành công trong việc phát triển nguồn rau xanh theo chương trình OCOP tại TPHCM, ông Trần Văn Thích - Giám đốc HTX rau an toàn Phước An cho biết, nhờ chương trình OCOP cùng với hướng đi, cách làm phù hợp mà sản phẩm của HTX được người tiêu dùng của thành phố biết đến, tin dùng. “Chương trình OCOP là một lực đẩy rất tốt để các DN, HTX phát triển mở rộng thương hiệu, thị trường. Đối với các DN mới thành lập thì đây cũng là cơ hội phù hợp để quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm” - ông Thích đánh giá.
Phát triển thương hiệu từng sản phẩm
TS. Nguyễn Thanh Trọng - trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, một trong những hạn chế lớn nhất của không ít sản phẩm OCOP hiện nay là khả năng thâm nhập vào thị trường lớn, thị trường quốc tế. Nguyên nhân là do chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng, khả năng tiếp thị, quảng bá hình ảnh chương trình đến được với người tiêu dùng. Vì vậy, để khắc phục được tình trạng này, Chương trình OCOP cần đẩy mạnh khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, tiêu thụ. Trong đó cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý chương trình; hệ thống giám sát sản phẩm chất lượng OCOP.
“Tổ chức đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, các chủ DN, HTX, tổ hợp tác, các chủ thể tham gia chương trình để có kiến thức về quản trị sản xuất, kiến thức marketing, cũng như duy trì và thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại, giao lưu thương mại với các tỉnh, thành khác trong cả nước” - ông Trọng nhấn mạnh.
Đề cập đến hỗ trợ các cơ sở sản phẩm OCOP, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cho hay, sở đã tiến hành ký kết giữa các đơn vị được công nhận OCOP với một số siêu thị trên địa bàn để đưa sản phẩm vào hệ thống của họ. Ngoài ra, sở cũng tiếp tục đào tạo, hỗ trợ các đơn vị, nhất là các DN khởi nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng thương hiệu, phương án sản xuất, tem dán truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, xây dựng website quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TPHCM sẽ tập trung các nhóm sản phẩm, bao gồm: Rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh; làng nghề đan lát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đồng, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, làng nghề nhang Lê Minh Xuân, làng nghề muối Lý Nhơn; khô cá dứa một nắng Cần Giờ, tổ yến Cần Giờ; xoài Long Hòa.