Ngày 15/5, tại TP Cần Thơ, diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả của mô hình truyền thông tăng cường nhận thức về cơ hội từ quá trình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ”.
Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực IV tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của đề tài khoa học cấp nhà nước mang mã số ĐTĐL.XH-12/22 do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ quan chủ trì.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 30 bài tham luận có chất lượng cao từ các nhà khoa học, các thầy, cô giáo, các nhà báo, các nghiên cứu sinh của nhiều trường Đại học, Học viện, nhiều cơ quan báo chí trong cả nước.
Hội thảo đã được lắng nghe các báo cáo tham luận đại diện cho nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, tiêu biểu của các nhà khoa học, các nhà truyền thông trên cả nước. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thống nhất khẳng định hiện nay các mô hình truyền thông tăng cường nhận thức về cơ hội từ quá trình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH thông qua ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ khá đa dạng.
Tuy nhiên, một số ưu thế của các mô hình truyền thông vẫn chưa được khai thác triệt để. Vì vậy, hiệu quả của các mô hình truyền thông chưa cao. Việc nghiên cứu, phân tích, thảo luận chỉ ra thực trạng và gợi mở giải pháp nâng cao hiệu quả của mô hình truyền thông tăng cường nhận thức về cơ hội từ quá trình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ thời gian tới là rất cần thiết.
Các nghiên cứu cũng khẳng định tầm quan trọng của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BĐKH. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Nghị quyết số 120, đó là việc Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ đối với từng Bộ, ngành, trong đó đối với Bộ Thông tin và truyền thông cần “chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác truyền thông để tăng cường nhận thức cho người dân vùng ĐBSCL về những cơ hội từ quá trình chuyển đổi mô hình nhằm phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH”.
Nhiều bài tham luận và phát biểu của các nhà khoa học, những người làm công tác giảng dạy báo chí truyền thông và những nhà báo đã đi sâu phân tích, nhìn nhận, đánh giá khách quan về thực trạng khai thác mô hình truyền thông tăng cường nhận thức về cơ hội từ quá trình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH thông qua ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện nay.
Các nhà khoa học đều thống nhất cho rằng với mỗi một phương thức, phương tiện, mô hình truyền thông có những ưu điểm và hạn chế khác nhau tùy thuộc vào đối tượng, nội dung truyền thông, kênh truyền phát… Trong những năm qua, có không ít hình thức truyền thông cũ nhưng vẫn phát huy được hiệu quả, có những hình thức truyền thông mới nảy sinh còn bỡ ngỡ nhưng nếu được quan tâm, đầu tư sẽ đạt hiệu quả trong tương lai.
Tại Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu và tham luận của các nhà nghiên cứu đã đề xuất giải pháp, khuyến nghị để nâng cao hiệu quả mô hình truyền thông tăng cường nhận thức về cơ hội từ quá trình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH thông qua ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, một số giải pháp được phân tích dựa vào những đặc thù về điều kiện tự nhiên và nhóm công chúng tại khu vực ĐBSCL để gợi mở cách thức nâng cao hiệu quả mô hình truyền thông phù hợp với vùng ĐBSCL.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Nhà báo Trần Quốc Trung, Trưởng Văn phòng Báo Đại Đoàn Kết tại TP Cần Thơ cho biết, nhiều cơ quan báo chí đã và đang tập trung theo dõi, phản ánh nhiều tua, tuyến bài về thực trạng BĐKH và công tác ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trên địa bàn khu vực ĐBSCL, Báo Đại Đoàn Kết còn tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.
Hàng năm Báo Đại Đoàn Kết đều cập nhật, thông tin kịp thời các diễn biến về biến đổi khí hậu và các mô hình ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, như Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với hàng trăm tin bài mỗi năm…
Từ những thực tế ghi nhận quá trình truyền thông về BĐKH và ứng phó với BĐKH của vùng ĐBSCL thời gian qua, nhà báo Trần Quốc Trung kiến nghị, quá trình truyền thông về BĐKH cần có sự tham gia của cả những nhà khoa học, chính quyền và người dân. Điều này sẽ giúp loại bỏ mô hình truyền thông một chiều, đồng thời tăng tính đối thoại về các vấn đề biến đổi khí hậu.
Thời gian qua mạng lưới truyền thông liên kết ngày càng chặt chẽ các địa phương cần tận dụng sức mạnh công nghệ truyền thông mới, trong đó có ứng dụng mạng xã hội, website, điện thoại di động... Việc kết hợp các phương tiện truyền thông trực tiếp và trực tuyến sẽ giúp người dân tiếp cận dễ dàng nhất và đem lại hiệu quả tốt nhất.
Nhà báo Trần Quốc Trung cũng cho rằng, các cơ quan báo chí trong vùng cần phối hợp, hỗ trợ thành lập CLB báo chí “Môi trường” (hoạt động bao gồm các vấn đề môi trường BĐKH và ứng phó với BĐKH) thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin và các mô hình ứng phó hiệu quả với môi trường để nhân rộng ra các địa phương trong vùng nói riêng và cả nước nói chung.
"Trung ương và các địa phương cần có nguồn kinh phí hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường, BĐKH và ứng phó với BĐKH", Nhà báo Trần Quốc Trung kiến nghị...