Giữa tháng 1/2024, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận trên hành tinh. Nhưng ảnh hưởng liên tục của hiện tượng khí hậu El Nino trong nửa đầu năm 2024 sẽ có nguy cơ lập kỷ lục nhiệt độ mới trong năm nay.
Dự báo nắng nóng sẽ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, kèm theo đó là nguy cơ thiếu nước ở nhiều nơi trên cả nước. Làm thế nào để ứng phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vẫn luôn là bài toán cần đi tìm lời giải.
Dù mới bước vào những tháng đầu xuân nhưng hiện nay đã ghi nhận nền nhiệt khá cao trên cả nước, dự báo thời gian tới sẽ không tránh khỏi tình trạng khô hanh do thiếu mưa, thời tiết nóng tại Bắc Bộ, cùng với đó là cao điểm mùa khô ở Nam Bộ, hiện tượng El Nino kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.
Vừa qua đã ghi nhận vụ cháy rừng khá nghiêm trọng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai). Thống kê cho thấy đã có hơn 31 ha rừng bị thiêu rụi, chủ yếu là rừng nghèo phục hồi sau cháy năm 2012 và rừng trồng thay thế.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, thời tiết khô hanh, ít mưa và nhiệt độ cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho đám cháy lan rộng. Tốc độ gió cao ở độ cao 1.900m cùng với độ ẩm thấp dưới 55% đã làm tăng nguy cơ cháy rừng. May mắn, lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn cháy lan vào rừng nguyên sinh và khu vực phía Tây, nơi có luồng gió mạnh từ tỉnh Lai Châu.
Ở các tỉnh phía Nam, 38 huyện thị ở Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung Bộ cũng đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng ở mức cao, cấp 4-5. Khu vực này đang trải qua cao điểm mùa khô, đặc biệt ở Nam Bộ nơi nắng nóng đã diễn ra nhiều ngày và chưa có dấu hiệu kết thúc. Các trạm quan trắc thời tiết ở Thủ Dầu Một, Nhà Bè, Vĩnh Long, Cao Lãnh và Thổ Chu ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trong tháng 2, đặc biệt Biên Hòa đã đạt đến 38 độ C, là con số cao nhất trong gần 30 năm.
Đáng lo ngại nhất hiện nay là các diện tích rừng ở U Minh Thượng của Kiên Giang; Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú của An Giang và Ninh Thuận, Bình Thuận đã lên mức cảnh báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, các cánh rừng ở Đồng Tháp, Cà Mau và Tây Nguyên cũng có nguy cơ cháy cấp 4.
Rừng tràm đang vào mùa rụng lá, thảm thực bì, dây leo đều khô héo. Chưa kể, nước trong rừng, các kênh rạch cũng bốc hơi nhanh, chỉ còn lại lớp bùn than dễ bén lửa. Nếu cháy thì không chỉ trên tán rừng mà lửa còn âm ỉ dưới mặt đất, rất khó dập lửa.
Ở Tây Nguyên có hơn 2,1 triệu ha rừng. Trong 3 tháng gần đây, thời tiết nắng nóng, các cánh rừng già trở nên khô khốc, nguy cơ cháy rất cao. Những điều kiện thời tiết bất lợi này đặt ra một thách thức lớn về an ninh môi trường và yêu cầu cộng đồng cần phải thực hiện các biện pháp phòng tránh và ứng phó một cách tích cực.
Sự nóng lên dẫn đến mức nhiệt tăng cao “trái mùa”. Người dân cả nước cũng cảm thấy sự ấm lên khi nhìn lại thời tiết dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 30 năm qua, tất cả các ngày Tết Nguyên đán có rét đậm rét hại đều xảy ra từ năm 2013 trở về trước. Từ năm 2014 trở lại đây, ở Hà Nội trong ngày 30 và mùng 1 Tết không xảy ra rét đậm rét hại, tức là không có một năm nào nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C. Với thống kê như vậy có thể thấy nhiệt độ đang ấm lên.
Khu vực phía Nam, dự báo từ nay đến tháng 4/2024, nắng nóng sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày ở miền Đông Nam Bộ và có thể lan rộng ra cả khu vực miền Tây Nam Bộ. Dự báo nhiệt độ cao nhất trong các ngày nắng nóng có khả năng phổ biến từ 35-38 độ C, với một số nơi ở miền Đông Nam Bộ có thể lên đến 39 độ C.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và ĐBSCL có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo thủy triều với xu thế xuống dần. Từ đó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ đến sớm hơn và cao hơn trung bình nhiều năm, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu. Thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện từ tháng 12/2023, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 2, tháng 3/2024; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào các tháng 3, 4, 5/2024.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, nắng nóng xuất hiện sớm và mạnh mẽ ở Nam Bộ là kết quả tác động của El Nino. Mặc dù El Nino đang suy yếu và dự kiến sẽ chuyển sang trạng thái trung tính nhưng cần lưu ý đến khả năng xuất hiện của La Nina trong mùa hè 2024, mang theo những diễn biến thời tiết khác nhau.
Trước ảnh hưởng đó, người dân ở TPHCM có thể cảm nhận ngay cái nóng khi nhiệt độ cao nhất ghi nhận từ 35-36 độ, chỉ số tia UV ở mức gây hại cao đến rất cao.
Dự kiến nắng nóng sẽ kéo dài ít nhất hơn 10 ngày tới và sẽ lập đỉnh trong tháng 3, tháng 4. Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, thông thường từ giữa tháng 2 hàng năm, Nam Bộ mới bắt đầu xuất hiện nắng nóng ở một vài nơi. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng gay gắt đến sớm hơn trên diện rộng do ảnh hưởng của El Nino.
Tại Đồng Nai, cũng ghi nhận thời tiết nắng nóng, khô hanh, nhất là vào các buổi trưa sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày tới. Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy khuyến cáo, người già, người có sức khỏe yếu và trẻ nhỏ hạn chế ra ngoài trong thời tiết nắng nóng; không để trẻ trong xe ô tô một mình, dù chỉ trong thời gian ngắn dưới trời nắng.
Có thể thấy, trước những diễn biết bất thường của thời tiết cùng những thiên tai trước mắt, hậu quả của biến đổi khí hậu rất khôn lường. Làm thế nào để thích ứng với biến đổi đó đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội.
Trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp ứng phó. Các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của El Nino vẫn vô cùng lớn. Nhưng biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở tác động của El Nino, nó còn là sự hội tụ của rất nhiều hiệu ứng khác làm băng tan, nước biển dâng... Trước tình hình đó, thế giới đã có nhiều giải pháp để giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Cuối năm 2023, sau Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới, Việt Nam đang đẩy nhanh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để hiện thực hóa các cam kết đó, Việt Nam đã và đang hoàn thiện nhiều công việc liên quan như khuôn khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng theo Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên Việt Nam phải đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, cụ thể hóa các nội dung Chiến lược tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh theo hướng tạo tiền đề cho việc xây dựng lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 năm 2050.
Tích cực “chạy đua” với thời gian để đạt mục tiêu cho năm 2050, mới đây, tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng hydrogen) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07/2/2024, do Bộ Công Thương tổ chức đã đặt ra mục tiêu trong Chiến lược năng lượng hdrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.
Tuy nhiên trên hành trình để đạt được kết quả đó Việt Nam vẫn cần vượt qua nhiều khó khăn, tận dụng những lợi thế sẵn có để phát triển năng lượng xanh, giảm thiểu tối đa việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, hướng các doanh nghiệp đến việc sản xuất xanh... thì mới có thể về đích đúng thời gian đã cam kết.
Bà Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng: Cần sự liên kết các mắt xích để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu
Chúng ta đã rất dũng cảm khi cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sau khi cam kết đã triển khai đồng bộ và toàn diện trên các lĩnh vực để đạt mục tiêu. Các văn bản, các cơ chế chính sách, thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, làm cho nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp chuyển biến trong nhận thức. Kèm theo đó là chính sách như tín dụng xanh rất thiết thực. Quy hoạch điện VIII được thông qua...Đó là những việc làm cụ thể khi chúng ta cố gắng thực hiện cam kết, chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm đến tối thiểu từ năng lượng hóa thạch thành năng lượng sạch. Chưa kể đến việc chúng ta có chính sách trồng rừng và đặc biệt có chính sách cho các doanh nghiệp thực hiện mô hình tuần hoàn tốt. Tôi cho rằng đó là một loạt những việc làm cụ thể đã đi vào thực tế trong lộ trình giảm phát thải.
Tuy nhiên nhiệt độ hiện vẫn chưa được kiểm soát, việc này có lẽ tới đây chúng ta phải bàn rất kỹ giải pháp thực hiện ở từng quốc gia, liên quốc gia. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần sự hợp tác từ cả cộng đồng quốc tế và cấp chính phủ, địa phương. Phải có những quy chế, cam kết liên quốc gia, liên vùng trong thực hiện giảm biến đổi khí hậu thì mới hy vọng rằng sẽ khống chế được nhiệt độ. Ở Việt Nam thì cần giải pháp liên vùng, liên tỉnh, liên huyện tạo ra mắt xích cùng đóng góp chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, chúng ta rất cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, và phát triển nông nghiệp bền vững. Bảo vệ rừng và hệ sinh thái biển đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ CO2 và duy trì sự cân bằng sinh thái. Xây dựng hạ tầng chống ngập lụt, bao gồm việc xây dựng đập biển, hệ thống thoát nước, và tạo ra các khu vực an toàn cho dân cư. Đầu tư vào công nghệ xanh giúp tạo ra giải pháp hiệu quả hơn để giảm khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là chương trình giáo dục và thông tin về biến đổi khí hậu có thể giúp tạo sự nhận thức và tăng cường hiểu biết về tác động của nó, từ đó thúc đẩy hành động cá nhân và cộng đồng.
Ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ozon (Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường): Ứng phó với biến đổi khí hậu cần đi đôi với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội
Ở phạm vi trong nước, tất cả các lĩnh vực của chúng ta ở các địa phương đều đã có các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi muốn nói rằng không có hoạt động nào chỉ nhằm mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu mà luôn có các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tích hợp với nhau.Ngược lại, bất kỳ hoạt động nào cũng có thể đóng góp cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp, công ty cũng đã lồng ghép trách nhiệm của họ với cộng đồng, hay đề ra tiêu chí liên quan đến môi trường, xã hội. Điều này càng ngày càng tích hợp vào chuỗi cung ứng và vòng đời của bất kỳ sản phẩm nào.
Giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu là tăng cường tính thích ứng của cộng đồng. Xây dựng kịch bản của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, đánh giá tác động đối với từng khu vực, từng lĩnh vực, đi đến tận huyện, tận xã xem tác động lên đời sống kinh tế - xã hội như thế nào.
Tuy nhiên, việc này không đơn giản vì hoạt động sản xuất kinh doanh luôn có sự thay đổi, chính vì sự thay đổi đó nên tác động đến cộng đồng cũng thay đổi theo. Địa phương sẽ phải cập nhật số liệu liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu lên địa phương, ngành sản xuất kinh doanh của họ. Căn cứ vào đó họ đề ra những nhiệm vụ để giảm thiểu tác động đối với cộng đồng xã hội, tăng cường khả năng chống chịu đối với hệ sinh thái tự nhiên.
Để làm hiệu quả phải có sự vào cuộc của địa phương, cấp xã, cấp phường. Sức chống chịu của cộng đồng xã hội nói chung có sự cải thiện, nhưng với hệ sinh thái tự nhiên cần quan tâm hơn. Đòi hỏi tất cả các lĩnh vực khác đều phải có sự quan tâm đến hệ sinh thái - lá chắn với biến đổi khí hậu.