Xã hội

Trụ vững trong 'cơn lốc' biến đổi khí hậu

Ngọc Quang 25/12/2023 08:30

Biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Vì vậy, để giữ đà tăng trưởng cần nhiều biện pháp tích cực.

anhbaiduoi67.jpg
Người dân tại Ba Tri, Bến Tre tích trữ nước ngọt trong bể xi măng. Ảnh: Tùng Đinh.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ nét, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hai vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất là Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở Tây Nguyên, mùa khô kéo dài hơn, lượng nước các dòng sông xuống thấp. Tây Nguyên là “thủ phủ” của nhiều loại cây công nghiệp, như cà phê, ca cao, hồ tiêu, cao su... Thiếu nước tưới sẽ khiến sản lượng suy giảm nghiêm trọng.

Với ĐBSCL, triều cường và xâm nhập mặn diễn ra hầu như không còn theo quy luật. Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, có nơi tới hơn 100km, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Những cánh đồng bị mặn rất khó canh tác. Nguồn lợi thủy sản tự nhiên giảm sút. Những vườn cây ăn trái mất mùa. Hạn hán và nhiễm mặn đã khiến ĐBSCL vốn là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước đối diện với khó khăn.

Đáng chú ý, BĐKH cũng đã và đang làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại, xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại "thiên địch". Nhiều năm trở lại đây, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa. BĐKH tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng; làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và do khô hạn, tăng thêm nguy cơ diệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gene quý hiếm.

Kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho thấy, BÐKH làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ Xuân sẽ giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050…

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 chỉ rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại…; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp, nông dân với BĐKH từng vùng, miền”; “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”.

Ứng phó và trụ vững trong bối cảnh BĐKH, ngành nông nghiệp nước ta cũng đã và đang tích cực áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp. Để hạn chế ảnh hưởng xấu của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp, một số mô hình thích ứng đã và đang được một số địa phương áp dụng, đem lại hiệu quả, như: Mô hình tôm/cá - lúa, thích hợp với vùng giáp nước (giữa vùng ngọt và mặn). Mô hình “1 phải, 5 giảm” đối với sản xuất lúa. Trong đó "1 phải" nghĩa là sử dụng hạt giống lúa chất lượng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, không sử dụng lúa lương thực để làm giống. "5 giảm": Giảm lượng hạt giống; giảm lượng phân đạm; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng nước tưới; giảm thất thoát sau thu hoạch; giảm khí thải nhà kính.

Những mô hình đó bước đầu đã thu được kết quả. Tuy nhiên, BĐKH vẫn diễn biến khó lường, do đó để nâng sức chống chịu cho ngành nông nghiệp thì trước hết cần nhận diện sâu sắc hơn về BÐKH. Khu vực nông nghiệp và người nông dân là những đối tượng tổn thương đầu tiên.

Về lâu dài, BÐKH sẽ khiến các vùng đất bị hoang mạc hóa hay ngập lụt, vì vậy cần bố trí lại hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn với kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của BÐKH.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để ngành nông nghiệp ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững. Phát biểu tại diễn đàn "Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, ứng phó với BĐKH ", ngày 28/11/2022, ông Tiến nhấn mạnh, phấn đấu năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nước phát triển trên thế giới. Muốn vậy phải sử dụng chiếc "chìa khóa" khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự hiệu quả.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì quy mô ứng dụng khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo hiện nay còn nhỏ và thiếu tính bền vững. So với các nước trong khu vực, nhìn chung đóng góp của khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

Đó chính là điều cần sớm khắc phục để nông nghiệp nước ta trụ vững trong cơn lốc BĐKH đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trụ vững trong 'cơn lốc' biến đổi khí hậu