Du lịch Việt Nam những năm gần đây luôn là “điểm sáng” trong nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng thường xuyên đạt cao. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá du lịch nước ta vẫn chưa phát triển đúng tầm vóc của một quốc gia giàu tài nguyên du lịch.
Du lịch Việt Nam cần nâng cao tính chuyên nghiệp để cạnh tranh.
Nâng cao tính chuyên nghiệp
Theo số liệu công bố của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới mới đây, ngành Du lịch Việt Nam đóng góp trực tiếp 6,8% cho GDP quốc gia. Có được sự tăng trưởng này phải kể đến đội ngũ làm du lịch, cơ sở lưu trú tăng nhanh và luôn nâng cao về chất lượng. Và Việt Nam ngày càng có nhiều điểm du lịch mới được mở ra thu hút nhiều du khách quốc tế. Các điểm du lịch đó cũng đang dần tạo được thương hiệu điểm đến thông qua các lễ hội, sự kiện. Nhiều điểm du lịch trong nước được các tổ chức uy tín bình chọn là địa chỉ yêu thích của đông đảo du khách quốc tế.
Tuy nhiên, ông Cao Trí Dũng - một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành du lịch đánh giá, tốc độ tăng trưởng của lượt khách không đều qua các năm, có nhiều năm sụt giảm sâu, đặc biệt là đối với nguồn khách quốc tế, tỷ lệ du khách quay trở lại vẫn còn thấp. Năng lực cạnh tranh của ngành còn hạn chế, vẫn còn thiếu sự đồng bộ và tính chuyên nghiệp trong cung cấp sản phẩm dịch vụ và tạo dựng hình ảnh thương hiệu điểm đến trong mắt du khách, các sản phẩm du lịch
chưa thực sự đa dạng để hấp dẫn du khách quay trở lại.
Điều quan trọng bậc nhất để tăng lợi nhuận từ du lịch là chi tiêu của khách quốc tế nhưng tại Việt Nam điều này lại khá thấp so với các nước trong khu vực. Trung bình 1 khách quốc tế chi tiêu tại Việt Nam là 107 USD/ ngày, thấp hơn nhiều so với Thái Lan là 160 USD/ngày, trong đó, chi tiêu cho vui chơi giải trí và mua sắm hàng hóa chiếm cũng chiếm tỷ lệ rất thấp.
Bàn về những giải pháp nâng cao hiệu quả du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc một công ty du lịch cho rằng, cần điều chỉnh lại tiêu chí hướng dẫn viên theo hướng chuẩn nghiệp vụ và học vấn chung cả quốc tế lẫn nội địa, giữ nguyên chuẩn ngoại ngữ cho hướng dẫn viên quốc tế, chú trọng hơn phần nghiệp vụ thực tế...
Cần xác định lại thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam là ẩm thực rồi mới đến tài nguyên du lịch để có hướng đột phá và đầu tư hiệu quả. Mạnh dạn miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng. Đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục cấp visa. Các vấn đề về trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, nhà vệ sinh, giao thông…phải làm đồng bộ và quyết liệt.
Bài toán về nguồn nhân lực
Thống kê của Tổng Cục Du lịch cho thấy, hiện nhân lực trong ngành Du lịch chỉ chiếm 4% lực lượng lao động của tổng các ngành, trong đó có chưa đầy 50% lao động qua đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; cao đẳng chiếm (chiếm 20%); số lao động đã qua đào tạo đại học và sau đại học đạt 7,5%; số nhân lực có chuyên môn chiếm khoảng 3,2%. Nhân lực du lịch sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh có 15% giao tiếp thông thạo, phần lớn làm hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn và nhân viên thị trường.
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và của các doanh nghiệp du lịch thì tính chuyên nghiệp của nhân lực du lịch sau khi tốt nghiệp đào tạo ra trường còn rất thấp. Trong khi đó, chúng ta hiện chưa có trường đại học đào tạo chuyên ngành du lịch, các trường đào tạo về du lịch chương trình đào tạo chưa thống nhất cơ bản được chương trình khung đào tạo.
Với thực trạng công tác đào tạo nhân lực du lịch hiện nay, mới chỉ đáp ứng được xấp xỉ 60% nhu cầu về số lượng và còn khoảng cách xa về trình độ chất lượng nguồn nhân lực du lịch so với yêu cầu của ngành, của doanh nghiệp và xã hội.
Bàn về giải pháp nguồn nhân lực, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, cần tăng cường quản lý nhà nước và đào tạo nhân lực du lịch đáp ứng về yêu cầu xã hội và hội nhập; tăng cường năng lực của các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch, cả về cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên….