Mặt trận phải chuẩn bị nội dung phản biện sâu sắc, có cơ sở khoa học, thực tiễn chứ không thể nói theo kiểu cảm tính thì bên nhận phản biện mới dễ tiếp thu. Đó là khẳng định của ông Trần Dương Tuấn, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre với PV báo Đại Đoàn Kết xung quanh các hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ.
Ông Trần Dương Tuấn.
PV: Trong 3 năm qua, công tác giám sát được thực hiện tại tỉnh Bến Tre như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Dương Tuấn: Từ khi có Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội nhiệm vụ của Mặt trận được tiến hành tập trung hơn, sự phối hợp giữa Mặt trận với các ngành, các cấp đã đi vào chiều sâu.
Quyết định này ra đời đã mở ra một hành lang pháp lý quan trọng về chính sách, pháp luật cho các hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận được tiến hành mạnh mẽ.
Về giám sát, Mặt trận đã từng làm trước đó nhưng phản biện thì chúng ta mới làm trong 3 năm qua. Khi thực hiện việc này, tỉnh Bến Tre cũng đã gặt hái được một số kết quả bước đầu để làm bàn đạp thực hiện việc này tốt hơn trong thời gian tới.
Giám sát và phản biện xã hội thường đi vào những vấn đề gai góc trong cuộc sống và đụng chạm đến không ít người. Ông có thể chia sẻ những khó khăn mà Mặt trận tỉnh Bến Tre gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này?
- Khó khăn mà MTTQ gặp phải lớn nhất chính là đội ngũ cán bộ tham gia giám sát, phản biện. Muốn giám sát tốt đã khó nhưng muốn phản biện tốt lại càng khó khăn hơn. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do sự mặc cảm, tự ti của cán bộ Mặt trận do không có chuyên môn.
Tuy nhiên, Ban thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã quyết tâm rất cao, sẵn sàng nhận các đơn đặt hàng từ phía các cơ quan Nhà nước, tổ chức phản biện ở cấp tỉnh để làm mẫu cho Mặt trận cấp huyện, cấp xã làm theo.
Nhưng để làm được việc đó, Mặt trận tỉnh phải tạo được niềm tin, nguồn cảm ứng, tạo sự lan tỏa. Trước mắt chú trọng tới công tác cán bộ của Mặt trận. Công tác cán bộ nếu làm tốt thì giám sát, phản biện sẽ tốt lên.
Thời gian qua MTTQ và các đoàn thể tỉnh Bến Tre cũng tổ chức tập huấn về nội dung, hướng dẫn biện pháp phối hợp và quy trình tổ chức công tác giám sát, phản biện xã hội cho các tổ chức trong khối dân vận cấp huyện và cơ sở. Trên cơ sở đó, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện và cơ sở đã đề ra kế hoạch thực hiện công tác giám sát và tổ chức thực hiện đạt được những kết quả bước đầu.
Xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre.
Có ý kiến cho rằng những phản biện của Mặt trận khi đưa sang chính quyền không được phản hồi. Việc này có xảy ra tại tỉnh Bến Tre hay không, thưa ông?
- Việc này hoàn toàn không xảy ra tại tỉnh Bến Tre. Phản hồi hay không phản hồi, tức là phản ứng của bên nhận ý kiến phản biện thì phải dựa vào chất lượng của phản biện đó. Nếu chúng ta phản biện không có đầu có cuối sẽ gây khó dễ cho bên nhận phản biện.
Mặt trận phải chuẩn bị nội dung phản biện sâu sắc, có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn chứ không thể nói theo kiểu cảm tính. Nếu chúng ta nói có đầu có cuối, có cơ sở khoa học, có cơ sở thực tiễn và những ý kiến đó không đứng trên ý chí nguyện vọng của nhân dân thì thật khó thuyết phục.
Vậy, trong thời gian vừa qua, Mặt trận tỉnh Bến Tre đã nhận được các đơn đặt hàng và tổ chức các đợt phản biện như thế nào?
- Vừa rồi, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng. Trong đó, cấp tỉnh làm được 6 cuộc, cấp huyện, cấp xã cũng đã phát huy được vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Ở cấp tỉnh, lúc đầu chúng tôi cũng có sự lúng túng nhưng bây giờ đã có kinh nghiệm triển khai.
Khi đọc đơn đặt hàng sẽ đặt ra yêu cầu phản biện cái gì, trong đó Mặt trận bao giờ cũng cân nhắc xem dự thảo đó, kế hoạch đó ảnh hưởng tới đời sống nhân dân như thế nào để từ đó lấy ý kiến nhân dân, những người có chuyên môn về vấn đề này sau đó Mặt trận mới tổ chức phản biện.
Trong các cuộc giám sát, các đơn vị được giám sát đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn đến giám sát, bên giám sát và bên được giám sát đã làm việc trao đổi dân chủ, thẳng thắn, chân tình. Qua giám sát, đã chỉ ra những mặt tốt, ưu điểm để phát huy, đồng thời cũng chỉ ra được những mặt còn hạn chế, góp nhiều ý kiến cho công tác lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp tốt hơn.
Để làm tốt công tác giám sát thì trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ sẽ quyết định phần nhiều. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Đúng vậy, đây là vấn đề chúng tôi lo nhất. Vừa qua, tỉnh Bến Tre đã tổ chức tập huấn cho chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã, huyện trở lên, kể cả Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ cấp tỉnh cũng phải tham gia để nắm chắc về mặt nghiệp vụ, nắm chắc về mặt chủ trương, chính sách, phải tự tin vào cách làm vì không chỉ một mình mình làm mà bên cạnh chúng ta còn có cả Uỷ ban MTTQ, có cả một HĐTV, có cả nhân dân.
Vì vậy, tùy theo đơn đặt hàng đó liên quan đến lĩnh vực nào, đến tầng lớp nhân dân nào, chúng ta sẽ phát huy ý kiến trên lĩnh vực đó, tầng lớp đó. Còn đối với công tác cán bộ luôn phải được quan tâm, phải làm cho đội ngũ cán bộ các cấp xứng tầm. Nếu chúng ta cứ đứng đó mà nhìn rồi đổ thừa khách quan này khác thì chỉ dậm chân tại chỗ khi thực hiện giám sát và phản biện.
Vậy thông qua hoạt động giám sát và phản biện, Mặt trận tỉnh có kiến nghị gì để làm tốt hơn hoạt động này trong thời gian tới?
- Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, nên có những hội thảo chuyên đề mang tính chất kiểm chứng để khi soi rọi vào thực tiễn xem như thế nào, rồi thực tiễn phản ánh lý luận này đúng hay sai để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong các cuộc giám sát, các đơn vị được giám sát đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn đến giám sát, bên giám sát và bên được giám sát đã làm việc trao đổi dân chủ, thẳng thắn, chân tình. Qua giám sát, đã chỉ ra những mặt tốt, ưu điểm để phát huy, đồng thời cũng chỉ ra được những mặt còn hạn chế, góp nhiều ý kiến cho công tác lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp tốt hơn. |