Giáo dục

Nâng chất lượng đầu ra của người học

Hàn Minh 26/02/2024 12:38

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, tính đến ngày 31/1, cả nước có 1.142 chương trình đào tạo của 145 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và 5 chương trình đào tạo cao đẳng của 5 trường cao đẳng được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước, 500 chương trình đào tạo của 58 cơ sở giáo dục ĐH được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ngoài.

anhbaitren(1).jpg
Học sinh THPT tìm hiểu về Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng. Ảnh: DUT.

Thêm nhiều chương trình đạt kiểm định chất lượng

Trong đó, một số cơ sở giáo dục ĐH có nhiều chương trình đào tạo được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài như: Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM); ĐH Bách khoa Hà Nội là 45 chương trình; Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) 33 chương trình; ĐH Kinh tế TP HCM 20 chương trình; Trường ĐH Công nghiệp TP HCM 22 chương trình; Trường ĐH Cần Thơ 16 chương trình; Trường ĐH Trà Vinh 13 chương trình…

Hiện cả nước có 7 tổ chức thực hiện đánh giá tiêu chuẩn trong nước gồm 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của 4 trường ĐH và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân. Đối với các tổ chức đánh giá tiêu chuẩn nước ngoài, Bộ GDĐT công nhận chuẩn chất lượng ĐH quốc tế áp dụng ở Việt Nam do 9 tổ chức thực hiện.

Từ năm 2012, Luật Giáo dục ĐH đã quy định, các trường phải kiểm định chất lượng để làm cơ sở cho phụ huynh, học sinh tin tưởng lựa chọn. Nhưng từ trước đó, nhiều trường cũng đã quan tâm tới hoạt động này. Như từ năm 2019 Trường ĐH FPT Hà Nội đã đạt kiểm định toàn phần do Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh Mỹ (ACBSP) đánh giá cho chương trình Quản trị kinh doanh.

Tại hội nghị ACBSP được tổ chức cuối tuần qua, đại diện đến từ nhiều trường ĐH cũng như các tổ chức kiểm định đều thống nhất quan điểm của việc hoạt động kiểm định các trường và chương trình kinh doanh đang tác động lên chất lượng giáo dục đào tạo, quan hệ với đối tác doanh nghiệp. Và mục tiêu cuối cùng chính là nhằm tạo trải nghiệm học tập, tăng cường cơ hội việc làm trên quy mô toàn cầu cho người học.

Mục tiêu của kiểm định là người học

Đích đến mà kiểm định chất lượng giáo dục ĐH hướng tới không phải là hoàn thành các mục tiêu về thủ tục hành chính mà quan trọng hơn đó là nâng cao chất lượng giáo dục ĐH trong nước. Điều này, theo các chuyên gia, thể hiện rõ ở việc khi một chương trình được các tổ chức kiểm định nước ngoài đánh giá và công nhận một cách nghiêm túc, khách quan có nghĩa là quá trình đào tạo, cấp bằng cử nhân, thạc sĩ quản trị dạy bằng tiếng Anh của chương trình đó đạt chuẩn nước ngoài. Từ đó, giảng viên và sinh viên quốc tế có thể đến đây giảng dạy và học tập. Ngược lại giảng viên và sinh viên Việt Nam cũng có thể sang châu Âu giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Việc cấp bằng được công nhận như nhau và khi đi xin việc làm thì tấm bằng được tin cậy.

Để làm được điều đó đòi hỏi sự nỗ lực cập nhật, nâng chất lượng không ngừng của chính các cơ sở giáo dục ĐH. Bởi theo quy định, giá trị của một lần kiểm định có thời hạn 5 năm. Khi đã đạt kiểm định không có nghĩa là trường hài lòng với kết quả đó mà vẫn phải cải tiến thường xuyên, đặc biệt ở những tiêu chuẩn, tiêu chí mới đạt yêu cầu tối thiểu của tổ chức kiểm định.

Giữa tháng 2 vừa qua, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 01/2024 quy định Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH bao gồm 6 tiêu chuẩn, với 20 tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó đáng chú ý, ngoài các tiêu chuẩn về giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, tổ chức và quản trị thì tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quy định rõ: “Cơ sở giáo dục ĐH có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua nguồn thu từ các hoạt động này và kết quả công bố khoa học với tiêu chí: Tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%”. Như vậy, điều này cần được các trường thể hiện công khai trong đề án tuyển sinh và được giám sát chặt chẽ để tạo niềm tin cho người học và xã hội.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất cần có chế tài xử lý cụ thể đối với những cơ sở giáo dục ĐH chưa thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đạt chuẩn chất lượng.

Theo TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), kiểm định chất lượng nhằm cải tiến chất lượng thường xuyên, mang thương hiệu cho nhà trường, mang lại giá trị cho người học. Việc này không phải để đối phó, để tự chủ, chuẩn bị cho tăng học phí, các trường cần nhận thức rõ, từ đó tạo cơ sở bền vững để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng chất lượng đầu ra của người học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO