Giáo dục

Kiểm định đại học: Chuẩn đầu ra còn bỏ ngỏ

Vi Cầm 24/11/2023 07:01

Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học (ĐH) cho thấy tỷ lệ chương trình đào tạo đạt yêu cầu về xây dựng chuẩn đầu ra là hơn 30% và việc đánh giá chưa được quan tâm đúng mức.

sinh-vien-dh-bach-khoa-ha-noi-anh-nguyen-lien-.jpg
Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Liên.

Nhiều tiêu chí đạt điểm thấp

Theo cập nhật của Bộ GDĐT tới hết tháng 10/2023 về cơ sở giáo dục ĐH, trường cao đẳng sư phạm (CĐSP), 187 cơ sở giáo dục ĐH, 11 trường CĐSP được công nhận theo tiêu chuẩn trong nước.

Trên thực tế, hiện chưa có cơ sở đào tạo nào có 100% chương trình được kiểm định, phần lớn chỉ chọn những chương trình mạnh nhất để triển khai kiểm định trước. Một trong những trường có nhiều chương trình đạt chuẩn kiểm định trong nước là Trường ĐH Công thương TP HCM. Mới đây cơ sở này có thêm 8 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định. Như vậy đến nay, trường có 29 chương trình đào tạo được đánh giá, trong đó có 7 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 22 chương trình đào tạo ĐH.

Các chuyên gia cho rằng, dù phần lớn cơ sở giáo dục ĐH đạt kiểm định nhưng còn nhiều tiêu chí đạt điểm thấp. Cụ thể, tiêu chí của bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục gồm 7 mức tương ứng với thang đo từ 1 đến 7 điểm; tiêu chí được đánh giá ở mức 4 là đạt. Qua thống kê từ 122 đơn vị đạt kiểm định, có 47 cơ sở (38,5%) thuộc nhóm có 2 - 10 tiêu chí chưa đạt mức 4; 75 cơ sở (61,5%) có trên 10 tiêu chí chưa đạt mức 4 điểm.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay cho thấy, trong chu kỳ đánh giá thứ nhất, mới có hơn 30% chương trình đào tạo đạt yêu cầu về xây dựng chuẩn đầu ra. Việc đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra cũng chưa được quan tâm nhiều kể cả hai phía: Cơ sở giáo dục ĐH và các đoàn chuyên gia đánh giá ngoài. Bài toán đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học khi tốt nghiệp vẫn còn đang để ngỏ.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, chỉ khi nào cơ sở giáo dục ĐH quán triệt và chủ trương thực hiện kiểm định chất lượng là để nhận diện và tìm ra các giải pháp nâng cao năng lực thực thi sứ mạng, năng lực phục vụ cộng đồng và năng lực cạnh tranh thì việc kiểm định mới thể hiện được vai trò.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho rằng, các trường cần rà soát hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, rà soát và điều chỉnh chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT về chuẩn chương trình đào tạo và sắp đến là chuẩn cơ sở giáo dục ĐH.

9 cơ sở đạt chuẩn nước ngoài

Theo Bộ GDĐT, tính đến hết tháng 10/2023, 9 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận theo tiêu chuẩn nước ngoài gồm: Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM), Trường Đại học Kinh tế TP HCM, Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV).

Liên quan việc kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài, ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin, cơ sở này đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH (HCERES) của Pháp đồng ý thực hiện các hoạt động đánh giá tại trường vào 27 và 28/11. Đoàn đánh giá ngoài gồm 7 thành viên là những chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đào tạo và quản lý giáo dục ĐH. Đoàn sẽ kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất của trường; phỏng vấn đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, cán bộ phục vụ, doanh nghiệp và sinh viên... nhằm đảm bảo tính toàn diện trong việc kiểm chứng chất lượng hoạt động đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Để chuẩn bị cho công tác kiểm định này, 4 cơ sở giáo dục ĐH gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa –ĐH Quốc gia TP HCM và Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đã chuẩn bị báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của HCERES.

ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên đạt chuẩn kiểm định cấp trường của HCERES năm 2017 với thời hạn 5 năm cùng Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa –ĐH Quốc gia TP HCM và Trường ĐH Xây dựng.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nói, việc đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo đánh giá của tổ chức trong nước và quốc tế giúp các trường gia tăng uy tín, là minh chứng đảm bảo chất lượng. Đây cũng là cơ sở để Bộ GDĐTcho phép các trường thực hiện quyền tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực đào tạo.

Theo Bộ GDĐT, việc kiểm định chất lượng là động lực để các trường phát triển, giúp nâng tầm giáo dục ĐH tại Việt Nam. Mục tiêu của Bộ GDĐT đặt ra là tới năm 2025 là cả nước có ít nhất 35% chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm định đại học: Chuẩn đầu ra còn bỏ ngỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO