TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, vấn đề hiện nay là cần nâng tầm đào tạo bậc ĐH ở trong nước để thu hút học sinh giỏi sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập trong nước và đạt được thành tựu không thua kém ở nước ngoài.
TS Lê Viết Khuyến.
PV: Có một thực tế là số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang tăng lên qua những năm gần đây, trong đó có nhiều học sinh giỏi đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế cũng chọn đi du học thay vì tiếp tục học ĐH ở trong nước. Quan điểm của ông về vấn đề này?
TS Lê Viết Khuyến: Du học tự túc là chính sách rất thoáng của Nhà nước hiện nay nhằm huy động nguồn lực của từng cá nhân bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục quốc gia. Đây là chủ trương đúng cần tiếp tục được duy trì. Vấn đề là làm sao để những người du học ở nước ngoài vẫn luôn có ý thức nghĩ về đất nước, khi có cơ hội thuận lợi để đóng góp cho tổ quốc thì sẵn sàng dốc sức, không trốn tránh hay thờ ơ…
Về bản chất của giáo dục phổ thông của Việt Nam đào tạo con người phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của người thầy. Đối với bậc đào tạo cao hơn là ĐH thì liên quan đến các yêu cầu, chuẩn mực nghề nghiệp đòi hỏi đội ngũ thầy cô phải đi sâu vào chuyên nghiệp hơn, cơ sở vật chất nhà trường đáp ứng tốt hơn đòi hỏi thực tiễn như các phòng thí nghiệm, kỹ thuật… cần được đầu tư tốt hơn… Đặt trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng hệ thống giáo dục ĐH của ta chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Vì vậy, có một xu hướng là các thí sinh đạt điểm cao trong các cuộc thi quốc tế hoặc những gia đình có điều kiện tốt có nguyện vọng cho con du học ở nước ngoài. Điều đó cũng là bình thường và không có gì đáng trách. Bởi nếu được học tập trong những môi trường tốt hơn, đạt thành tựu tốt hơn, mỗi người phát huy được hết năng lực của bản thân thì điều đó rất cần được khuyến khích, không cứ là học ở trong nước hay ở nước ngoài.
Nhưng có nhiều người học xong không trở về Việt Nam, trong đó có cả những người đi du học theo diện học bổng được Chính phủ Việt Nam tài trợ. Đó có phải là lãng phí chất xám không thưa ông?
- Trước hết tôi cho rằng việc du học ở nước ngoài dù là học bổng hay tự túc, được Nhà nước tài trợ cũng đều nên khuyến khích. Việc học xong, ở lại hay về lại phức tạp hơn nhiều. Nhưng nhìn chung, tôi cho rằng dù họ quyết định thế nào thì cũng đều nên tôn trọng, tất nhiên phải dựa trên cơ sở luật pháp, đặc biệt là những trường hợp du học theo diện học bổng của Chính phủ.
Không phải cứ trở về mới là yêu nước và ngược lại. Dù anh ở đâu nhưng trái tim và khối óc vẫn luôn hướng về Tổ quốc thì vẫn luôn đáng quý, đáng trân trọng.
Tôi còn nhớ sau Cách mạng tháng 8, đối với những người Việt Nam ở nước ngoài, Bác Hồ có nói đại ý rằng những người này có thể về phục vụ đất nước ngay. Một số người khác với nghề nghiệp đặc thù hơn thì chờ một thời gian nữa đất nước phát triển hơn sau khi giải phóng thì về sẽ đóng góp cho Tổ quốc nhiều hơn. Nhắc lại câu chuyện ấy, để thấy những người Việt Nam ở nước ngoài chưa về không có nghĩa là không về. Và trở về hay ở nước ngoài vẫn có thể phục vụ cho đất nước bằng những việc làm thiết thực như nhiều nhà khoa học, nhà quản lý… Việt Nam ở nước ngoài đã và đang làm.
Thưa ông, thông tin 5 học sinh đoạt huy chương vàng và bạc trong các cuộc thi Olympic Toán và Vật lý quốc tế sẽ nhập học tại ĐH Bách khoa Hà Nội là một tin vui với những người quan tâm đến nền giáo dục quốc gia. Nhưng cũng không ít người lo lắng làm sao để các em tiếp tục phát huy được hết năng lực của mình trong điều kiện học ĐH ở trong nước?
- Không chỉ riêng 5 học sinh này mà rất nhiều học sinh giỏi của chúng ta vẫn lựa chọn ĐH ở trong nước để tiếp tục ở bậc cao hơn.
Hiện nay Nhà nước cũng đã có cố gắng đầu tư cho các trường ĐH trong nước làm sao để bắt kịp xu hướng thế giới nhưng nhìn chung vẫn cần phải thay đổi rất nhiều. Ví dụ học phí đào tạo sinh viên ở nước ngoài, chi phí đào tạo một năm gấp khoảng 5 lần so với những chương trình đào tạo chất lượng cao ở trong nước. Bên cạnh đó là đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… nếu không có những thay đổi thì yêu cầu đạt được chất lượng sinh viên cao như các trường ở nước ngoài là khó.
Chúng ta còn nhiều việc phải làm và không thể thỏa mãn với chất lượng giáo dục ĐH nói riêng và nền giáo dục quốc gia nói chung hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!