Dù có nhiều đột phá nhưng việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa thực sự được nâng cao, đa phần người lao động vẫn làm việc ở vị trí phổ thông, thu nhập thấp. Thực tế cho thấy cần có chính sách về nâng cao chất lượng cho nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cơ hội rộng mở
Trong khi thị trường lao động trong nước đang phải chịu nhiều áp lực thì hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khá sôi động. Đáng nói là ngoài thị trường truyền thống, nhiều thị trường tiềm năng, thu nhập cao ngày càng rộng mở với lao động Việt Nam. Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tính đến hết tháng 8/2023, cả nước đã có hơn 97 nghìn lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc (đạt 94% kế hoạch năm). Nhu cầu tuyển dụng của các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đang có xu hướng tăng, do đó hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng. Đơn cử như tại Phiên giao dịch và tư vấn việc làm tại huyện Ba Vì (Hà Nội) mới đây, chỉ 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đăng ký tham gia tuyển dụng 1.695 chỉ tiêu đi làm việc tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Đức… Con số này cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài rất lớn.
Nói về tiềm năng thị trường lao động những tháng cuối năm, đại diện Công ty cổ phần Thương mại phát triển kỹ thuật và nhân lực quốc tế (JVNET) cho biết, nhu cầu tuyển dụng của công ty từ nay đến cuối năm cần hơn 1.000 lao động. Các ngành nghề chủ yếu là cơ khí, đóng gói công nghiệp, xây dựng dân dụng, lắp ráp linh kiện… với mức lương từ khoảng 30 - 50 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Sovilaco, sau khi phục hồi đến nay, lĩnh vực xuất khẩu lao động tiếp tục có những chuyển mình mạnh mẽ. Theo đó, ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho người lao động có tay nghề cũng đang có nhiều bứt phá, khi nhiều nước đưa ra hàng loạt biện pháp đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài. “Các thị trường mới ở châu Âu như Hungary, Ba Lan, Rumani, Đức cũng đã quen dần với việc đưa lao động Việt Nam chúng ta đến làm việc. Bên cạnh đó, một số thị trường khác như Australia và Canada, thêm một số nước ở Trung Đông nữa cũng đang mong muốn tiếp nhận lao động của Việt Nam", ông Trung cho biết.
Nâng cao chất lượng tay nghề
Hiệu quả từ hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là không thể phủ nhận. Rất nhiều làng quê, địa phương đã vươn lên thoát nghèo nhờ có những người dân, lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với việc đổi thay về kinh tế, thu nhập đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáng kể. Dù vậy theo đánh giá hoạt động đưa lao dộng đi làm việc ở nước ngoài vẫn nặng về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực dù đã được cải thiện đáng kể song vẫn còn khá khiêm tốn. Đặc biệt những năm gần đây số lao động đưa đi đều vượt mức trên 100 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn tập trung chủ yếu là lao động phổ thông.
Báo cáo Nghiên cứu tổng thể về Thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước có việc làm chỉ 26,7%, rất thấp so với mức hơn 50% của Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Tỷ lệ thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam trở về làm công việc/loại công việc tương tự như họ đã làm ở Nhật Bản thấp hơn so với nhóm ba nước trên.
Đánh giá từ Bộ LĐTBXH cũng cho thấy, xuất khẩu lao động đang góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, có khoảng 47% số lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ học vấn cao nhất là cấp phổ thông trung học, trình độ trung học cơ sở là khoảng 23%. Con số cho thấy chất lượng lao động còn rất thấp, do đó, nếu không nâng cao chất lượng mà chỉ chú trọng số lượng, lao động Việt Nam sẽ khó cạnh tranh.
Về vấn đề chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài những năm qua còn thấp, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, nhiều năm qua mới tập trung vào hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế, người lao động ở vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo chứ chưa có chính sách chung về nâng cao chất lượng cho nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài.
“Điểm yếu đầu tiên của lao động Việt Nam hiện nay chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là vấn đề đã được nêu ra nhiều trong thời gian qua, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giỏi tiếng bản địa thì lao động có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Chúng ta đang đặt mục tiêu không chỉ nâng cao số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động. Do đó, việc nâng cao chất lượng lao động được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người lao động đi xuất khẩu mà còn tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam”, ông Liêm nói.
Về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Gia Liêm cho rằng, cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn lao động, bố trí nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hỗ trợ cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, ngoại ngữ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, để nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTBXH đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc gắn kết với các doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm để tăng chất lượng nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu.