Xuất khẩu lao động: Hướng đến thị trường chất lượng cao

Lê Minh Long 15/08/2023 06:26

Trái với thị trường lao động trong nước, xuất khẩu lao động 7 tháng đầu năm khá sôi động với nhiều đột phá. Mặc dù các thị trường truyền thống vẫn là ưu tiên hàng đầu của người lao động nhưng xu hướng chọn thị trường tốt hơn đang tăng. Nhiều người không chọn đi để có việc làm, mà là để có tương lai khi nguồn thu nhập cao hơn.

Các nước ngày càng đưa ra những yêu cầu đòi hỏi người lao động phải có tay nghề cao.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), 7 tháng, số lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài đã đạt hơn 77% kế hoạch năm 2023 (theo hợp đồng là 110.000 người). Riêng tháng 7/2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 12.930 người (4.619 lao động nữ). Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 85.224 lao động (29.712 lao động nữ).

Mở rộng nhu cầu ngành nghề

Số lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài 7 tháng qua cũng gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái (7 tháng năm 2022 đưa được 46.578 lao động). Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, với 41.139 lao động (17.774 lao động nữ). Ngoài Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc cũng là những thị trường truyền thống có nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam. 7 tháng qua, Đài Loan tiếp nhận 36.956 lao động (11.006 lao động nữ), Hàn Quốc 1.799 lao động (53 lao động nữ). Các thị trường còn lại như Trung Quốc 1.024 lao động, Singapore 800 lao động nam, Hungari 802 lao động (369 lao động nữ), Romani 537 lao động (70 lao động nữ) và các thị trường khác.

Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, thị trường lao động không mở rộng địa lý mà mở rộng nhu cầu ngành nghề. Như Hàn Quốc tăng tuyển lao động ngành đóng tàu từ tháng 6 năm ngoái. Vừa qua, nước này đã tháo gỡ các quy định, tăng tốc độ và tăng cả số lượng cần tuyển. Rồi các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp tại Hàn Quốc cũng tăng số lượng. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn tập trung vào ngành sản xuất chế tạo, sản xuất công nghiệp và một phần trong ngành xây dựng, nông - lâm - ngư nghiệp. Còn các nước khu vực Trung Đông mong muốn có thêm lao động ngành xây dựng, dầu khí, cơ khí, đóng tàu, sản xuất chế tạo.

Đại diện nghiệp đoàn Nhật Bản đến thăm và làm việc tại Công ty xuất khẩu lao động Năm Châu IMS.

Thuận lợi cho lao động có tay nghề

Bộ LĐTBXH cho biết, thời gian qua, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước luôn được đẩy mạnh. Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn. Nhờ đó chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, nhiều bản kí kết về phối hợp hợp tác song phương về lao động kĩ thuật cao được kí kết với các nước.

Trong tháng 7, Cục Quản lý lao động ngoài nước và tỉnh Wakayama (Nhật Bản) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khung pháp lý cơ bản về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Thông qua Bản ghi nhớ khung về hợp tác lao động giữa hai bên, người lao động Việt Nam có thể thực tập và làm việc trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam và Nhật Bản, phát huy thế mạnh mỗi bên, cùng có lợi trong hoạt động hợp tác.

Thực tế trong thời gian qua không chỉ thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Bộ LĐTBXH đã có nhiều hoạt động tìm kiếm, mở rộng và đẩy mạnh phát triển sang thị trường châu Âu; trong đó đã cho phép 3 doanh nghiệp (DN) chuẩn bị nguồn lao động (mỗi DN được phép chuẩn bị nguồn 50 lao động) để đưa sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, thu hoạch nông sản và chế biến nông sản) tại Hy Lạp. Số lượng lao động chuẩn bị là 150 người, độ tuổi từ 20-45, mỗi công ty 50 lao động. Người lao động được tuyển chọn sẽ làm việc trong ngành nông nghiệp (trồng trọt, thu hoạch và chế biến nông sản) với thời hạn hợp đồng lao động 2 năm. Thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, với mức lương cơ bản là 803 euro/tháng.

Nhận định về cơ hội cho lao động Việt tại thị trường Đức và châu Âu, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay, nhiều lao động trẻ Việt Nam đã tham gia chương trình du học nghề. Rất nhiều người đã tốt nghiệp ra trường, được ký hợp đồng làm việc chính thức, được hưởng mức lương cao. Để giữ chân người lao động, Đức đưa ra chính sách có thể ký hợp đồng làm việc không thời hạn, được định cư và bảo lãnh người thân khi đáp ứng được các yêu cầu của Đức, giúp người lao động ổn định và phát triển sự nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu này.

“Di cư lao động trong thời gian tới hướng đến những thị trường chất lượng, thu nhập cao, trọng tâm là các nước phát triển ở châu Âu. Về chất lượng, sẽ tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất phải đào tạo 6 tháng trở lên, nâng dần tỷ lệ qua đào tạo từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi nước ngoài lao động phải được đào tạo bài bản” - ông Liêm nhấn mạnh.

Cũng theo ông Liêm, Đức và nhiều quốc gia ở châu Âu không tiếp nhận lao động phổ thông từ nước ngoài nhưng sẵn sàng trả lương, miễn phí đào tạo để có được lao động tay nghề theo tiêu chuẩn đào tạo của họ. Tại Đức, những ngành nghề đang thiếu hụt lao động lành nghề gồm: Điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm... Tùy ngành nghề mà người lao động được đào tạo từ 2 đến 3 năm theo hệ thống đào tạo nghề kép, 30% học lý thuyết tại cơ sở đào tạo; 70% học thực hành tại DN... để khi tốt nghiệp, họ có thể làm việc ở DN mình được đào tạo.

“Dự báo khi châu Âu ổn định dần cũng tăng tuyển lao động Việt Nam tuy nhiên, các nước châu Âu có yêu cầu bắt buộc lao động đã có tay nghề, trình độ nhất định. Về lâu dài, chúng ta xác định chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn học hỏi kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ” - ông Liêm nói.

Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo

Song song với tình hình đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đang dần khởi sắc là cạm bẫy lừa đảo của kẻ gian. Thủ đoạn phổ biến của các đường dây này thường là đăng tải thông tin kết bạn trên mạng xã hội, ứng dụng điện thoại phổ biến như Facebook, Wechat, Viber... Sau đó, với chiêu bài quảng cáo "việc nhẹ lương cao", chúng lôi kéo, "tuyển dụng" lao động với mức lương hứa hẹn khoảng 800-2.000 USD/tháng, chế độ đãi ngộ tốt mà không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp nào, thậm chí còn sẵn sàng hỗ trợ chi phí, thủ tục nhập cảnh.

Tình trạng lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài diễn ra từ nhiều năm nay. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo và khuyến cáo nhằm giúp người lao động tránh được cảnh “tiền mất, nghèo lại càng nghèo do vay mượn, nợ nần để được đi làm việc ở nước ngoài”. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, nhiều lao động vẫn rơi vào bẫy “lừa đảo” của một số tổ chức, cá nhân. Thực tế về mặt quản lý Bộ LĐTBXH đã có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra các DN, đơn vị đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đồng thời có những khuyến cáo đến người lao động, tuy nhiên nhiều người với tâm lý “ đi nhanh và có thu nhập cao” đã không tìm hiểu kỹ thông tin, tin vào lời quảng cáo trên mạng xã hội để rồi mắc bẫy và trở thành con nợ vì tiền phí đặt cọc.

Đơn cử như chương trình đưa lao động đi làm thời vụ tại Hàn Quốc, đây là chương trình phi lợi nhuận giữa địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương tổ chức triển khai thực hiện, không có sự tham gia của bất kỳ DN nào. Nhưng nhiều đối tượng “cò mồi” trung gian đã lập trang mạng tuyển dụng chiếm đoạt tiền của người dân. “Trước thực tế này, chúng tôi đã liên tục có những cảnh báo đến người dân qua nhiều hình thức đồng thời tăng cường kiểm tra, siết về mặt quản lý song vẫn khó kiểm soát hết vì các đối tượng sử dụng mạng xã hội với nhiều hình thức rất tinh vi. Đáng nói là rất ít người lao động khi phát hiện bị lừa gửi đơn tố giác mà sau một thời gian dài khi không lấy lại được tiền mới tố giác. Điều này khiến việc kịp thời xử lý gặp nhiều khó khăn hơn” - đại diện Bộ LĐTBXH cho biết.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhiều thị trường tăng cao xong người lao động cũng cần phải tỉnh táo khi lựa chọn doanh nghiệp đầu mối khi đi làm việc ở nước ngoài. Đối với chương trình làm thời vụ, để tham gia và tìm hiểu về chương trình, người lao động chỉ liên hệ với Sở LĐTBXH địa phương nơi cư trú và không đăng ký tham gia với bất kỳ tổ chức cá nhân môi giới. Với những chương trình khác cần tìm hiểu kỹ thông tin DN khi nộp hồ sơ đăng ký.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh, không phải cứ nước nào có nhu cầu là chúng ta đưa người lao động đi, mà còn phụ thuộc vào người lao động, hợp tác giữa hai bên, điều kiện làm việc, thu nhập, môi trường sống... Mục tiêu của chúng ta là nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động. Về lâu dài, thực hiện chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giải quyết việc làm, kiếm thu nhập mà còn để học hỏi kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ nhằm phát triển sự nghiệp, hướng đến việc làm bền vững. Do đó, việc nâng chất lượng lao động trước khi xuất cảnh là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành quản lý, doanh nghiệp dịch vụ mà còn là trách nhiệm của người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động: Hướng đến thị trường chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO