Nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị bãi bỏ hàng nghìn văn bản không phù hợp thực tế.
Nhiều kiến nghị kiểm toán liên quan đến cơ chế, chính sách
Kết quả kiểm toán của KTNN những năm qua không chỉ được thể hiện bằng những con số kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng, mà quan trọng hơn là những kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn. Để đưa ra được những kiến nghị này, KTNN đã phải có những phân tích, đánh giá sự phù hợp của cơ chế, chính sách, tính hợp pháp của các văn bản QPPL.
Trong đó, KTNN đã chỉ ra những thiếu sót, tồn tại, những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách. Điển hình như qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai đã phát hiện phương pháp xác định giá đất hiện nay còn nhiều bất cập, không rõ ràng, vướng mắc trong quá trình thực hiện và là kẽ hở gây thất thoát ngân sách nhà nước. Việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng tạo lỗ hổng để thất thoát ngân sách và tài sản. Trên cơ sở đó, KTNN đưa ra những giải pháp, kiến nghị giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị được kiểm toán khắc phục những yếu kém, bất cập. Trong đó có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; việc thực hiện các dự án BT, các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); cơ chế quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghệ cao; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)... nhằm hoàn thiện và bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
Đồng thời, thông qua hoạt động đánh giá văn bản QPPL, KTNN đã chỉ ra những bất cập trong nhiều văn bản QPPL hiện hành; đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm đảm bảo tính thống nhất và phù hợp của hệ thống pháp luật nói chung, đặc biệt là các văn bản QPPL trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, kế toán.
Ngoài ra, KTNN còn đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản QPPL như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội... Đây là những đóng góp thiết thực của KTNN với chức năng tư vấn của cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước.
Đặc biệt, những năm gần đây, KTNN tập trung kiểm toán chuyên đề lớn, có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp, từ đó kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hình thức đối tác công tư; quản lý, sử dụng đất; quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; quản lý thu, chống thất thu thuế; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần...
Xây dựng quy trình đánh giá văn bản hợp lý, hiệu quả
Theo ThS. Nguyễn Anh Vân - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực III, trên thực tế, các văn bản quản lý mà kiểm toán viên nhà nước (KTV) gặp phải trong hoạt động kiểm toán rất đa dạng và phức tạp, đòi hỏi phải có quy trình đánh giá một cách chặt chẽ và khoa học. Việc đánh giá phải trên cơ sở các quy định của pháp luật và phải có căn cứ khoa học, tránh sự chủ quan, áp đặt. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động đánh giá văn bản QLNN của KTNN vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến một số kiến nghị chưa bảo đảm tính hợp lý.
Việc thực hiện kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Trong giai đoạn 2016-2022, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 1.321 văn bản, song tỷ lệ thực hiện kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL rất thấp (2/14 luật, 2/55 nghị định, 37/177 thông tư…). Công tác phối hợp đôn đốc, thực hiện các kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách của KTNN còn thiếu chặt chẽ. Mặt khác, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật chưa được thực hiện một cách thỏa đáng, chỉ mới ở mức độ rút kinh nghiệm, phê bình, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương.
Để khắc phục các hạn chế trên, ThS. Nguyễn Anh Vân và ThS. Phan Thanh Hải - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II - cho rằng, KTNN cần xây dựng quy trình đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán. Trong đó, bước 1 là xác định văn bản cần đánh giá và xem xét sự phù hợp của các QPPL được áp dụng để làm căn cứ pháp lý đưa ra các kết luận và kiến nghị kiểm toán. Bước 2 là đánh giá văn bản thông qua phương pháp kiểm tra để thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở để xem xét, kết luận về tính hợp pháp của văn bản được đánh giá.
Bước 3 là trao đổi, thảo luận về nội dung trái pháp luật của văn bản và kiến nghị. Ở bước 4, đoàn kiểm toán kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật; kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo. Bước 5, đoàn kiểm toán kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật.
Cùng với quy trình này, KTNN cần nâng cao chất lượng công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Về lâu dài, KTNN cần có một bộ phận độc lập theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó, KTNN cần đẩy mạnh sử dụng phần mềm kiểm tra văn bản giúp việc tác nghiệp kiểm tra, đánh giá văn bản và theo dõi, đôn đốc công tác kiểm tra văn bản được thuận lợi, dễ dàng hơn./.