Theo tinh thần dự thảo quy chế tuyển sinh giáo viên (GV) năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến điều chỉnh quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) các ngành đào tạo GV và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo đó, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành này phải có kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8.0 trở lên.
Một số ngành được áp dụng mức sàn thấp hơn, là Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều Dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Thí sinh cần có kết quả học tập trong cả 3 năm THPT từ khá hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên. Các điều kiện này đều cao hơn so với hiện nay - thí sinh chỉ cần xếp loại học lực Giỏi hoặc Khá ở lớp 12.
Ngoài ra, hiện Bộ GDĐT chia thí sinh thi vào các ngành đào tạo GV và sức khỏe thành hai nhóm. Điều kiện về học bạ chỉ áp dụng với nhóm không xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Với nhóm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ công bố điểm sàn hàng năm. Dự thảo nói trên đã không còn phân chia mức sàn theo phương thức xét tuyển nữa.
Ngành đào tạo GV và sức khỏe là 2 ngành có tính chất đặc thù. Để nâng chất lượng đầu vào, nhiều năm qua, Bộ GDĐT đã quy định điểm sàn với 2 nhóm ngành này và được công bố vào khoảng trung tuần tháng 7. Ở mùa tuyển sinh năm 2023 và 2024, điểm sàn xét tuyển khối ngành đào tạo GV và ngành sức khỏe giữ ổn định.
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2025, Bộ GDĐT quy định: Cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Bàn về việc nâng chuẩn đầu vào ngành y và sư phạm, nhiều GV cho biết rất đồng tình với nội dung này, đã được công bố trong dự thảo của Bộ GDĐT. Tuy vậy, không ít GV cho rằng, mức điểm sàn đối với 2 ngành này như hiện nay là tương đối thấp. Nếu cơ sở giáo dục ĐH xét tuyển điểm sàn tối thiểu cho đủ chỉ tiêu thì việc đào tạo nhân lực khó mang lại hiệu quả cao vì nghề thầy giáo và thầy thuốc mang tính đặc thù. Cùng với đó, một băn khoăn cũng được nêu ra rằng, hiện nay sự đãi ngộ với người thầy thuốc và thầy giáo chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Vì lẽ đó, việc nâng chuẩn đầu vào đối với ngành y và sư phạm cũng chưa đủ cơ sở kỳ vọng sẽ tuyển được nhiều sinh viên tài giỏi theo học.
Bên cạnh dự thảo nói trên, Bộ GDĐT cũng được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020 ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 chính sách nhằm khắc phục vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bao gồm: Về tổ chức đào tạo nâng chuẩn; về học phí; về chính sách lương trong thời gian đi học nâng chuẩn.
Các chuyên gia cho rằng, dự thảo nâng chuẩn trình độ đối với GV mầm non, tiểu học, THCS là xu hướng tích cực. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu trình độ đối với GV là ĐH, thạc sĩ. Do vậy, dự thảo nâng chuẩn trình độ GV cũng là xu hướng tiếp cận thế giới và đổi mới giáo dục.
Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), các nội dung sửa đổi nêu trên hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên còn một số vấn đề chưa được giải quyết. Trong đó có việc đặt hàng các cơ sở đào tạo GV cần nêu rõ tiêu chí đảm bảo chất lượng để đơn vị có thể đặt hàng, tránh tình trạng liên kết một cách hình thức dẫn đến chất lượng không đảm bảo.