Số lượng công trình xanh đã tăng lên đáng kể hàng năm, nhưng so với tổng số công trình được xây dựng thì con số này còn khá khiêm tốn. Việt Nam cũng chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng “0”.
Số lượng công trình xanh còn khá khiêm tốn
Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 có nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra không ít cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp (DN).
Với lĩnh vực xây dựng, tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2030, ngành xây dựng phải giảm 74,3 triệu tấn CO2, chiếm 13% so với tổng lượng giảm phát thải đối với quá trình công nghiệp và sử dụng năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng, tòa nhà. Trong khi đó một số liệu được đưa ra tại lĩnh vực xây dựng, tiêu thụ khoảng 37-40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng trên 30% tổng lượng khí nhà kính.
Như vậy việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình phát thải ròng bằng 0 là điều bắt buộc phải thực hiện nếu muốn hiện thực hoá mục tiêu tại COP26.
Ông Lương Quang Huy - Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ, việc phát triển các công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích, chưa có quy định cụ thể nào bắt buộc. “Số lượng công trình xanh đã tăng lên đáng kể hàng năm, nhưng so với tổng số công trình được xây dựng thì con số này còn khá khiêm tốn. Việt Nam cũng chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0” - ông Huy cho biết.
Cần sẵn sàng kịch bản giảm khí nhà kính
Ông Huy cũng nhấn mạnh, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một trong những xu hướng quan trọng nhất là sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế trong quá trình xây dựng, đồng thời thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng.
Vì vậy về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để thúc đẩy, hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành các công trình xanh. “Đáng chú ý, về nguồn nhân lực, cần tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực chuyên môn cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh” - ông Huy nói.
Ở vai trò DN, theo đại diện Eurowindow, việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng có thể tiết giảm đến 50% khí thải nhà kính, do đó, DN đề xuất Chính phủ cần tiếp tục ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh. Cùng với đó là việc đưa ra các chế tài xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành; đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng để thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu xây dựng.
Đại diện Viglacera thì cho biết, đã thực hiện 3 cuộc cải cách lớn về mặt sản phẩm. Đầu tiên là giải pháp nhà kính phơi gạch và lò nung tuynel một kênh liên hợp (tận dụng nhiệt thải từ lò nung để sấy sản phẩm mộc). Tiếp theo là đổi mới và liên tục hoàn thiện nâng cao về công nghệ sản xuất và công nghệ sấy nung, rải liệu với các sản phẩm sứ vệ sinh, gạch ốp lát, kính xây dựng. Hiện nay, Viglacera đang triển khai “cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba” - áp dụng sản xuất xanh làm trục cốt lõi...
Giới chuyên gia cho rằng, các DN cần chuẩn bị sẵn kịch bản giảm khí nhà kính để thích ứng với chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như để thay đổi theo chuỗi cung ứng của thế giới.