Mới vào đầu mùa nắng nóng nhưng nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bị bỏ hoang, còn vườn, ao nuôi cá của bà con cũng khô cạn. người dân đang nóng ruốt, lo lắng vì thiếu nước sản xuất.
Ông Dương Hiển Bình đau xót nhìn cá trong ao chết khô.
Ông Dương Hiển Bình (83 tuổi), trú xã Phổ Cường cho hay: “Nắng nóng kéo dài thời gian qua, khiến 5 sào ruộng của gia đình tôi không có nước để sản xuất vụ lúa Hè-Thu. Nguồn thu nhập còn lại của gia đình là 2 ao nuôi cá với diện tích 4 sào mặt nước cũng đã cạn gần trơ đáy”.
Dưới tiết trời nắng oi bức, ông Bình lội xuống ao cắt rau muống về ăn trưa, đồng thời dọn những xác cá rô phi chết khô trên mặt bùn nứt nẻ mà lòng không khỏi đau xót.
Gia đình ông Bình đã cải tạo 2 cái ao này để nuôi trồng thủy sản gần 10 năm qua nhưng chưa thấy năm nào cạn trơ đáy như năm 2020. Nếu có nước để nuôi cá thì mỗi năm gia đình ông cũng kiếm được khoảng 50 triệu đồng. “Ruộng bỏ hoang, hồ cá trơ đáy biết mưu sinh gì đây”- ông Bình than vãn.
Một góc cánh đồng ở xã Phổ Cường bỏ hoang không canh tác.
Còn ở thị xã Đức Phổ, chị Phạm Thị Thấm, chủ 7 sào ruộng đã chuyển đổi hoàn toàn sang trồng đậu phộng trong vụ Hè-Thu. Những ngày này, chị Thấm dùng ống dẫn nước từ cống xuống ruộng để tưới đậu. Gặp chúng tôi ngay tại cánh đồng, chị giãi bày: “Nếu tình trạng nắng nóng vẫn kéo dài thì 7 sào đậu phộng của gia đình tôi sẽ chết khô, coi như mất trắng vụ này. Không biết vì sao năm nay trời nắng nóng khô hạn quá chừng”.
Ông Võ Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường cho biết, tại đại phương có 3 hồ nước để đảm bảo tưới nước cho khoảng 95 ha Vụ lúa Hè- Thu, trong đó có khoảng 50 ha trồng lúa, một số chuyển đổi qua cây hoa màu, còn lại 700 ha hoàn toàn phải bỏ hoang.
Nhiều diện tích đồng ruộng khô hạn không có nước tưới.
Ông Cường cũng cho rằng, đến thời điểm hiện nay, các sông, suối trên địa bàn xã Phổ Cường gần như đã cạn kiệt, về nguồn nước cho gia súc, gia cầm thì hiện nay từng gia đình phải tự lo, nếu nắng nóng kéo dài hết tháng 5/2020, trời không có mưa thì phải xin nguồn nước từ hồ Liên Sơn xả xuống sông, suối địa phương để gia súc, gia cầm uống.
Về nguồn nước sinh hoạt của người dân, xã đã kiến nghị các ngành thẩm quyền hỗ trợ kinh phí để đóng các giếng khoan phục vụ cộng đồng. Riêng năm 2019, xã Phổ Cường đã đóng cho bà con trên địa bàn 2 cái giếng khoan, độ sâu khoảng 80 mét trở lên và người dân tự đóng hơn 10 cái nhưng nguồn nước sinh hoạt vẫn thiếu.
Chị Phạm Thị Thấm đang ngồi bắt ống nước dẫn vào các sào đậu phộng.
Ông Nguyễn Tấn Lái, Trưởng phòng NN&PTNT thị xã Đức Phổ cho biết, địa phương đã xây dựng kế hoạch vụ sản xuất lúa Hè- Thu năm 2020.
Theo đó, trên địa bàn thị xã Đức Phổ khoảng 4.800 ha. Thế nhưng qua khảo sát nguồn nước thì các hồ đập trên địa bàn thị xã không đảm bảo do nắng hạn kéo dài.
Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu cho UBND thị xã Đức Phổ chỉ đạo cho các xã Phổ Cường, Phổ Vinh, Phổ Minh khảo sát lại nguồn nước để xây dựng kế hoạch lại thì diện tích bị khô hạn có khoảng 1.500 ha (trong đó chuyển đổi cây trồng hoa màu khoảng 300 ha), còn lại hơn 1.000 ha bị bỏ hoang và khoảng 3.500 ha sản xuất vụ lúa vụ này nhưng khả năng sẽ giảm diện tích nữa vì do nắng nóng kéo dài”.
Một số hồ nước ở xã Đức Phổ gần khô cạn.
Trước sự việc này, ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh ít có mưa, dung lượng nước hồ chứa trên địa bàn còn khoảng 60%. Do đó, các huyện phía nam của tỉnh Quảng Ngãi như huyện Đức Phổ khả năng lượng nước tưới vụ Hè- Thu sẽ thiếu nhiều. Trước tình hình đó, Công ty khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã làm việc cụ thể với các Hợp tác xã ở các huyện để chốt lại diện tích cần sản xuất, gieo trồng”.
Về biện pháp trước mắt, ông Văn cho hay: “Nhanh chóng duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, chống thất thoát nước phục vụ vụ Hè-Thu sắp tới. Còn những vùng không có nước tuyệt đối không sản xuất, vùng có nước mà thiếu sẽ chuyển đổi qua trồng hoa màu. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản trình xin Trung ương vào giữa tháng 4/2020 về phân bổ nguồn kinh phí 100 tỷ đồng để lo phòng, chống hạn”.