Sau cuốn tiểu thuyết “Cửa hiệu giặt là”, nhiều người nghĩ nhà văn Đỗ Bích Thúy đã từ bỏ một đề tài sở trường, quen thuộc là miền núi để đến với đề tài đô thị. Nhưng điều đó đã không hoàn toàn đúng. Mới đây, nữ nhà văn sinh năm 1975 này vừa hoàn thành 2 kịch bản phim và ra mắt tiểu thuyết “Chúa đất” với câu chuyện bi tráng và hấp dẫn về vùng núi phía Bắc.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy
1. Năm nay có thể coi là một thời điểm khó quên của Đỗ Bích Thúy khi chị quyết định quay trở về đề tài sáng tác đã từng gặt hái những thành công, đã được bạn đọc, bạn viết ghi nhận. Đặc biệt, không chỉ “quen tay” ở truyện ngắn hay tiểu thuyết, Đỗ Bích Thúy còn có mở thêm một lối rẽ mới, đó là viết kịch bản.
Điều thú vị là, ngay từ những kịch bản đầu tay, chị đã gặt hái được thành công. Đầu tiên, đó là kịch bản điện ảnh “Người yêu ơi”, đặt vấn đề việc giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây là một trong bốn bộ phim được Nhà nước đặt hàng, kịch bản vừa được phê duyệt và được đưa vào kế hoạch sản xuất phim truyện điện ảnh năm 2015-2016.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết: “Khi thấy có thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTT&DL, quả thực tôi quá ngỡ ngàng. Vì theo như tôi biết, từ công đoạn đề cương, kịch bản, cho đến khâu thẩm định, kiểm duyệt, phê duyệt nó khá dài phải. Thế mà tôi lại có được một cái như vậy, nói chung cũng rất phấn khởi. Vì nếu đúng như thế thì đây là kịch bản phim truyện điện ảnh “mở hàng” của tôi”.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Đỗ Bích Thúy cũng viết xong một kịch bản phim truyền hình dài 30 tập. Phim vừa được bấm máy tại Hà Giang nhân mùa hoa tam giác mạch đang nở rộ. Đây cũng là kịch bản phim truyền hình đầu tiên Bích Thúy đứng tên tác giả, được chuyển thể từ truyện vừa “Lặng yên dưới vực sâu” và một số truyện ngắn khác của chị.
Nói về việc bén duyên với công việc viết kịch bản, Đỗ Bích Thúy cho biết: “Viết kịch bản cũng có cái thích thú riêng của nó, không giống với tiểu thuyết hay truyện ngắn. Cái thú vị nhất là mình được/phải hình dung một cách cực kì rõ nét nhân vật của mình, từ vóc dáng, khuôn mặt, tính cách, thậm chí là giọng nói. Tư duy khi viết kịch bản cũng rõ nét, mạch lạc hơn. Đây chính là một trong những điểm yếu của tôi, mà nhờ yêu cầu của kịch bản thì ít nhiều tôi tự khắc phục được”.
2. Trở lại với đề tài miền núi, Đỗ Bích Thúy cho biết, mỗi khi ngồi trước màn hình máy tính, viết những câu văn về miền núi, chị thường có cảm giác như vừa được trở về nhà, uống nước ở suối ấy, hít hơi gió thổi ra từ trong khe núi ấy, ngồi trên cái hiên nhà ấy,… quen thuộc vô cùng.
Sinh năm 1975 tại Hà Giang, Đỗ Bích Thúy đã được nhiều người nhớ tới với những truyện ngắn về miền núi, đặc biệt là Cao nguyên đá - vùng đất địa đầu Tổ quốc - nơi chị có mấy chục năm gắn bó. Những truyện ngắn như “Sau những mùa trăng”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Ngải đắng ở trên núi”, “Đêm cá nổi”… không chỉ mang tới cho Đỗ Bích Thúy giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội mà còn giúp các nhà làm điện ảnh có chất liệu tốt để làm phim. “Chuyện của Pao” là một bộ phim được nhiều người nhắc tới trong những năm qua, cũng được hình thành trên cơ sở là những truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy. Bộ phim đã dành giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006.
Vốn là phóng viên báo Hà Giang, Đỗ Bích Thúy đã lăn lộn với vùng đất Hà Giang. Chị thấu hiểu nỗi khổ của người dân nơi Cao nguyên đá đồng thời cũng hiểu rất rõ những phong tục, tập quán và những nét văn hóa đặc sắc ở vùng núi cao này. Chính vì thế, thiên nhiên và con người vùng cao đã bước vào những trang viết của chị một cách đầy cuốn hút.
3. Nói về tiểu thuyết mới nhất mang tựa đề “Chúa đất”, Đỗ Bích Thúy cho biết, tiểu thuyết này được lấy cảm hứng từ một truyền thuyết cách đây khoảng 2 thế kỷ ở vùng Đường Thượng (Yên Minh - Hà Giang). Đó là truyền thuyết vô cùng bi tráng về chúa đất Sùng Chúa Đà và cây cột đá chỉ dùng để treo người. Cột đá cao 1,9m, hai bên có hai cái lỗ để nhét tay người bị hành quyết vào. Tất cả những ai trêu ghẹo vợ chúa, và vi phạm luật lệ do ông đặt ra đều bị chúa đất bắt phải chết bằng công cụ man rợ đó. Hiện cột đá này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Đọc cuốn sách này, bên cạnh những nhân vật rất sống động như Vàng Chở, bà Cả, Sùng Pà Xính, người ta còn thấy tác giả dụng công xây dựng nhiều nhân vật phụ như con chó tên Vàng, con chim cắt họ Sùng… Lý giải điều này, nhà văn Đỗ Bích Thúy nói: “Tôi thích viết về các loài vật, vì những ước muốn mà tôi gửi gắm nhiều khi không thể trông vào một nhân vật là con người. Cả con chó, cả con chim cắt về sau đều chết cùng với nhân vật. Hai cái chết của hai con vật ấy, một là cho tôi sự thương cảm, một là cho tôi sự nể phục…”.
Đỗ Bích Thúy cho biết, hơn 20 năm trước, khi còn là phóng viên báo Hà Giang, chị đã nhiều lần từ huyện lị Yên Minh mò mẫm vào Đường Thượng để lấy tư liệu viết báo. “Đường Thượng thực sự là một vùng đất gợi cảm. Thung lũng tuyệt đẹp chạy dài với hai bên núi cao dựng đứng, là thung lũng đẹp nhất trên cao nguyên cực Bắc… Vùng đất lại nhiều huyền tích, thực thực hư hư chưa biết đâu mà kết luận. Và chỉ với một Sùng Chúa Đà tôi đoán rằng trên thế giới cũng khó tìm đâu một chúa đất tàn bạo, nghĩ ra cách hành quyết ghê rợn như chúa Đà”, Đỗ Bích Thúy cho biết.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975, hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị viết nhiều thể loại, trong đó những tác phẩm tiêu biểu như: “Sau những mùa trăng”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Những buổi chiều ngang qua cuộc đời”, “Đàn bà đẹp” (truyện ngắn); “Người đàn bà miền núi” (truyện vừa); “Bóng của cây sồi”, “Cánh chim kiêu hãnh”, “Cửa hiệu giặt là”, “Chúa đất” (tiểu thuyết); “Trên căn gác áp mái”, “Đến độ hoa vàng” (tản văn)…