Chi phí logistics trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn cao, đó là một trong những nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh sụt giảm. Trước thực trạng đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có kiến nghị lên Chính phủ cần đưa ra các giải pháp làm giảm chi phí dịch vụ logistics.
Hệ thống cảng biển yếu dẫn đến chi phí logistics cao.
Chi phí vẫn cao
VCCI cho biết, hiện vận chuyển một container hàng hóa từ cảng Hải Phòng về Hà Nội (và ngược lại) chỉ khoảng 100km, nhưng chi phí đắt gấp 3 lần so với vận chuyển một container hàng hóa từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.
Tỷ trọng chi phí dịch vụ logistics trong cơ cấu chi phí kinh doanh của Việt Nam còn rất cao, chiếm khoảng 20% GDP, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa cũng như doanh nghiệp (DN). Giá thành sản phẩm hàng hóa Việt Nam thường bị đội lên nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng cũng như khi xuất khẩu một phần quan trọng do chi phí vận chuyển không ổn định và luôn ở mức cao.
Nhiều DN xuất nhập khẩu cho biết, chi phí logistics chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của DN. Đơn cử như đối với ngành dệt may, theo chia sẻ của lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2017, giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt khoảng 30 tỷ USD, nhưng riêng chi phí logistics đã “ngốn” mất khoảng 2,8 tỷ USD.
Con số này thực sự là rất lớn đối với các DN, nó khiến cho DN buộc phải đẩy giá thành sản phẩm lên cao nếu không muốn chấp nhận lỗ. Song, việc đẩy giá thành lên cao lại khiến cho sản phẩm của DN Việt khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của DN nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Nêu ra những nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam còn cao, VCCI cho là do cơ sở hạ tầng còn yếu, hệ thống cảng biển, kho bãi, kết nối rất nhiều điểm hạn chế. Thủ tục hải quan dù đã triển khai một cửa, điện tử hóa, giảm kiểm tra hàng hóa, song quy trình xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn phức tạp hơn nhiều các nước khác.
Các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam thường vẫn phải chịu sự áp đặt mức giá vận chuyển cao từ các hãng vận tải biển nước ngoài, thậm chí còn phải trả thêm nhiều khoản phụ thu không hợp lý do năng lực đàm phán còn hạn chế (thường phải chọn hình thức mua CIF bán FOB khiến phí vận chuyển cao).
Trong khi năng lực vận tải của các DN tàu biển trong nước còn yếu, không cạnh tranh được với các hãng quốc tế thì việc quản lý chuỗi cung ứng của các DN còn gây lãng phí, thất thoát khi mua hàng, sản xuất, lưu kho và bán hàng. Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp còn thiếu tính gắn kết giữa các DN trong chuỗi cung ứng cũng là nguyên nhân khiến cho chi phí vận tải và các chi phí logistics khác phát sinh và tăng giá.
Giảm thiểu lệ thuộc
Trước hàng loạt những bất cập nói trên, VCCI đề xuất, trước mắt Chính phủ cần tiến hành rà soát và có biện pháp kiểm soát các chi phí liên quan đến các khoản phí và phụ thu tại các cảng biển Việt Nam. Theo VCCI, hiện các DN Việt Nam còn phải lệ thuộc nhiều vào sự độc quyền của các hãng vận tải tàu biển quốc tế khi xuất nhập khẩu hàng hóa, do đó cần có giải pháp để giảm thiểu sự lệ thuộc này.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực hoạt động cho các DN xuất nhập khẩu và DN logistics trong nước thông qua việc thúc đẩy phát huy hiệu quả hơn vai trò của các hiệp hội DN, ngành nghề.
Về dài hạn, theo VCCI, Chính phủ cần quy hoạch lại hệ thống logistics ở Việt Nam nhằm phát huy hết công suất các cảng biển thông qua cải thiện kết nối. Cần có các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế theo các cụm ngành/cụm liên kết giúp cho các DN thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như trong quá trình phân phối hàng hóa đầu ra làm sao có thể rút ngắn nhất được thời gian, không gian khi vận chuyển, lưu kho...
Riêng đối với các DN ngành logistics trong nước, VCCI cho rằng, các DN Việt cần phải tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.