Ngày 27/7, Bộ Quốc phòng Hy Lạp chính thức thông tin về vụ chiếc máy bay Canadair tham gia công tác dập lửa ở đảo Evia đã gặp nạn, 2 phi công thiệt mạng. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng thảm họa cháy rừng không khác gì tình trạng chiến tranh khi mà nắng nóng hết sức gay gắt.
Mùa hè này, Hy Lạp đang trải qua đợt nắng nóng cực đoan kéo dài nhất trong những năm gần đây với nền nhiệt trung bình trong vòng 11 ngày lúc đỉnh điểm lên tới 45 độ C, đã khiến 79 khu rừng bị cháy. Người dân Hy Lạp kinh hoàng nhớ lại vào năm 2018 một vụ cháy rừng đã khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Trong khi đó cơ quan khí tượng Hy Lạp cho biết, tuần tháng 7 là tuần nóng nhất trong 50 năm qua. Đợt sóng nhiệt tại nước này có nguy cơ kéo dài. “Đây là điều chưa từng có tại Hy Lạp” - Kostas Lagouvardos, Giám đốc nghiên cứu của Đài quan sát Khí tượng quốc gia nói và cho biết lần gần nhất Hy Lạp ghi nhận hiện tượng sóng nhiệt kéo dài là vào năm 1987, với mức nhiệt hơn 39 độ C trong 11 ngày.
Trong khi đó, Italy - một quốc gia châu Âu khác cũng phải vật lộn với những đám cháy rừng. Tại Cuglieri cây cối bị thiệu rụi sau khi nhiệt độ tăng lên hơn 40 độ C. Vào ngày 25/7, nhiệt độ tại đảo Sicily và khu vực Sardinia lên tới 48 độ C.
Bên kia bờ Đại Tây dương, nhiều vùng của nước Mỹ cũng bị nắng nóng tấn công. Truyền thông Mỹ mô tả đây là đợt nắng “siêu khắc nghiệt” khi mà người ngã xuống đường cũng bị bỏng độ 3. Tại hạt Maricopa (bang Arizona), nhiều người đã phải vào bệnh viện cấp cứu do có những vết bỏng rộp trên da do nắng nóng.
“Chúng tôi rất bận vì số lượng bệnh nhân đến khám và mức độ nghiêm trọng của vết bỏng rất bất thường”- tiến sĩ Kevin Foster, Giám đốc dịch vụ Trung tâm bỏng Arizona, cho biết. Tất cả các giường bệnh kín chỗ và 1/3 bệnh nhân là những người bị bỏng chỉ vì ngã ra mặt đường. Mặt đường tại Mỹ chủ yếu dùng bê tông nhựa asphalt sẫm màu. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào, màu sẫm của mặt đường càng khiến nó hấp thụ ánh sáng và nóng lên từ 5 đến 15 độ C so với nhiệt độ không khí.
Bác sĩ Frank LoVecchio, phụ trách phòng cấp cứu tại Trung tâm Y tế Valleywise Health ở Phoenix, cho biết với những người bị “cháy nắng” nếu không được điều trị ngay sẽ ngất và di chứng để lại lâu dài.
Cũng thật đáng sợ khi Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cảnh báo những đợt sốc nhiệt và mưa lớn bất thường trong năm 2023 “vẫn chưa là gì” so với năm sau. Ông Gavin Schmidt - Giám đốc Viện Nghiên cứu không gian Goddard của NASA cho biết, đợt El Nino này chỉ thực sự khốc liệt vào năm 2024 khi mà mùa hè năm nay chỉ là khúc dạo đầu. Còn tiến sĩ John Nairn - Cố vấn cấp cao của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng, sự cực đoan của thời tiết là “không thể nói trước”.
Tại châu Á, mùa hè năm nay ở Trung Quốc cũng là mùa hè khác thường. Nhiệt độ cao, kéo dài khiến mực nước hồ nước ngọt lớn nhất nước này, hồ Poyang, bị thu hẹp hơn 1.000 km2 chỉ trong 20 ngày.
Nắng nóng kéo dài, người dân phải tìm mọi cách đối phó. Mũ trùm mặt (facekini) trở thành mặt hàng bán chạy cùng quạt cầm tay, găng tay dài, áo chống nắng. Dong Wei - một tiểu thương ở Thanh Đảo (Sơn Đông) cho biết doanh số facekini năm nay tăng 30% so với năm ngoái. Dữ liệu của Công ty tư vấn China Insights trụ sở tại Thượng Hải cho biết từ năm 2021 đến nay thị trường quần áo chống nắng của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ mỗi năm là 9,4%. Còn theo nền tảng mua sắm Tmall của Alibaba, doanh số bán trang phục chống nắng "thế hệ mới" tăng 180% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mùa hè năm nay, Bắc Kinh trải qua số ngày nắng nóng gay gắt cao kỷ lục. Từ năm 1951 tới năm 2022, Bắc Kinh chỉ trải qua 6 ngày nhiệt độ lên tới 40 độ C. Tuy nhiên, riêng trong tháng 7/2023, thành phố đã trải qua 4 ngày nắng nóng 40 độ C.
Vậy, nắng nóng mùa hè năm nay bình thường hay bất thường? Theo giáo sư Paul Ullrich (Đại học California, Mỹ), gọi là bình thường khi có El Nino, bất thường khi những đợt nắng nóng kéo quá dài và rất khốc liệt. Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu ngày một cực đoan hơn. Trong khi đó, ông Petteri Taalas - Tổng Thư ký WMO cho rằng loài người phải chấp nhận điều đó như là trạng thái bình thường mới. Đáp lại, giáo sư Michael E.Mann (Đại học Pennsylvania, Mỹ) lại cho rằng không nên dùng khái niệm “bình thường mới” vì không thể truyền tải một quan điểm sai lầm rằng chúng ta đã bước sang một trạng thái khí hậu mới và tất cả những gì cần làm chỉ là thích nghi với nó.
“Thực tế nghiêm trọng hơn thế nhiều. Sự ấm lên của Trái đất vẫn tiếp diễn và tạo ra các hậu quả tàn khốc hơn" - giáo sư E.Mann nói.
Tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro (Brazil) đã được thắp sáng bằng hình ảnh đếm ngược của Đồng hồ khí hậu, chiếc đồng hồ cho chúng ta biết thế giới còn lại bao nhiêu thời gian để ngăn chặn biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn theo cấp số nhân. Nó không đếm ngược đến ngày chính xác nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng trên 1,5 độ C, thay vào đó nó ước tính khoảng thời gian còn lại trước khi con người phát thải ra lượng CO2 đủ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó thật không may, các Bộ trưởng Năng lượng G20 đã không đạt được đồng thuận về lộ trình giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.