Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5-7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao.
Giá gạo xuất khẩu tăng gần 10%
Xuất khẩu gạo tháng 2/2023 ước đạt 430 nghìn tấn với giá trị 231 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 789 nghìn tấn và 417 triệu USD, giảm 18,8% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.
Phillipines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2023 với 34,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1 năm 2023 đạt 129,3 nghìn tấn đạt 64,55 triệu USD, giảm 44,7% về khối lượng và giảm 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 2/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam lên tới 537 USD/tấn, tăng 17 USD/tấn so với tháng 1/2023. Trong đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức 457 USD/tấn, tăng 8 USD/tấn so với tháng trước.
Dự báo về hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam, nhiều chuyên gia cho biết, ngành gạo có nhiều thuận lợi về bối cảnh; trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng. Trong khi đó, nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo sẽ tăng trở lại. Chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 – 7 triệu tấn gạo.
Không chỉ xuất khẩu, giá gạo trong nước cũng tăng ở tất cả các chủng loại. Tại Kiên Giang giá lúa chất lượng cao (tương đương tỷ lệ 5% tấm sau khi xay xát, xuất khẩu) tăng từ 600 - 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ…
Về nguồn cung gạo, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Diện tích gieo trồng của Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 ước khoảng 3,83 triệu ha, năng suất bình quân khoảng 6,27 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24 triệu tấn lúa. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước khoảng 13,2 triệu tấn, tương đương 6,6 triệu tấn gạo. Cơ cấu nhóm gạo xuất khẩu gồm: Gạo chất lượng cao đạt 3 triệu tấn; gạo thơm, đặc sản đạt 2,1 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 0,9 triệu tấn; nếp đạt 0,6 triệu tấn.
Nỗ lực nâng sức cạnh tranh
Việt Nam có diện tích gieo trồng lúa đứng thứ 6 trên thế giới (khoảng 7,2 triệu ha), đứng thứ 5 về sản lượng, năng suất cao nhất trong khu vực ASEAN và trong tốp đầu của thế giới. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới.
Ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, như khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và quốc tế. Tăng trưởng sản xuất lúa gạo trong thời gian qua tập trung nhiều vào số lượng hơn là chất lượng; chế biến sâu còn hạn chế, dẫn đến chất lượng gạo chưa cao; chưa có được một thương hiệu riêng cho gạo Việt.
Xuất phát từ thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định về việc thành lập Nhóm công tác đối tác công tư về lúa gạo. Mục đích nhằm cải thiện chất lượng và tính bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam thông qua việc thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực, áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo.
Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về lúa gạo do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Nhóm khối công) và Công ty TNHH Bayer Việt Nam (Nhóm khối tư) đồng chủ trì; với chức năng tổ chức, phối hợp liên ngành trực thuộc Bộ NN&PTNT, gồm các đại diện của khối công tư, liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân. Đồng thời, nhóm công tác này có chức năng quản lý, hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng, bền vững, gia tăng hiệu quả kinh tế về xã hội và môi trường.