Thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam

An Hà 05/07/2022 12:03

Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, với 1,8 triệu ha đất trồng lúa, nông dân các tỉnh tại đây quay vòng từ 2-3 vụ lúa/năm, đưa diện tích trồng lúa năm 2011 lên trên 4 triệu ha, trong đó có 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, để đạt được thành công cũng không phải là điều dễ dàng.

Gạo xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

1 triệu hécta lúa chất lượng cao

Các tỉnh ĐBSCL, chủ yếu là An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ thời gian qua đã mở rộng diện tích vùng lúa hàng hóa chất lượng cao lên 1 triệu ha liên kết với mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới. Vùng lúa chất lượng cao do sản xuất tập trung, phần lớn đã cơ giới hóa, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng gạo còn có khả năng kháng rầy nâu và chống chịu tốt các bệnh nên chi phí sản xuất giảm tới 30% trong khi năng suất đạt 7-8 tấn/ha cá biệt có tỉnh như An Giang đạt đến 9 tấn/ha. Giá bán lên đến 6.300 – 6.700 đồng/kg. Tham gia liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, hàng nghìn hộ dân liên đã có mức lãi cao từ 170% đến 200%.

Để đạt hiệu quả 1 triệu ha lúa chất lượng cao, các tỉnh trong vùng đã nâng cấp hệ thống thủy lợi trục, nội đồng bảo đảm đủ nước tưới cho các vụ lúa trong năm, sắp xếp thời vụ sản xuất hợp lý, xuống giống đồng loạt, bố trí thời gian xuống giống một vụ lúa hợp lý để không làm ảnh hưởng đến vụ lúa kế tiếp.

Từ hiệu quả đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp cùng các địa phương xây dựng đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại vùng ĐBSCL để phục vụ xuất khẩu. Cùng đó là nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa địa phương phát triển công nghiệp với địa phương chuyên trồng lúa.

Hiện ĐBSCL là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu. Thời gian tới sẽ phát triển ĐBSCL nhanh, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp dự trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Để tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới thì hạt gạo Việt Nam phải ngon hơn, thơm hơn, có nghĩa là phải có những giống lúa chất lượng cao. Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, nhóm gạo thơm, đặc sản chiếm 30%, với những “tên tuổi” như Hương Nhài (có nơi gọi Hương Lài) 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Chợ Đào (nằm trong danh mục xuất khẩu EU) chiếm 15%, tương đương 1,01 triệu tấn.

Tiếp đó, nhóm gạo chất lượng trung bình chiếm 15%. Nhóm nếp chiếm 10%, điều này cho thấy Việt Nam đã hướng đến sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao giống lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là hướng chuyển đổi kịp thời và đúng đắn. Đáng chú ý, chúng ta đã bổ sung vào nhóm gạo xuất khẩu chất lượng cao gạo ST25, được người tiêu dùng Âu-Mỹ đón nhận tích cực.

Năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6 - 6,2 triệu tấn

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng qua có nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt là 4 tháng đầu năm, dù mới bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu gạo rất khả quan.

Cụ thể, riêng trong tháng 4/2022 đã đạt 550 nghìn tấn, đem về 273 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 2,05 triệu tấn với kim ngạch 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng. Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so các với các nước. Chẳng hạn, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan trong tháng 4 ở mức 410 - 412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 361 - 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước. Trong khi đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4.

Hiện Philippines tiếp tục đứng đầu là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Trong quý 1/2022, xuất khẩu gạo sang Philippine đạt 672.136 tấn, kim ngạch 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch.

Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei...

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngành gạo của nước ta đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường, nhưng chất lượng lại cao hơn rõ rệt. Những năm về trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35 đến 40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo thì đến năm 2020 con số này đã đạt từ 75 đến 80%.

Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo sẽ còn sôi động hơn vào giữa năm, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Xuất khẩu sang EU dự báo cũng sẽ tăng mạnh nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

Trong khi đó, dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn.

Như vậy, đây có thể coi là thành tích vượt trội của nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu suy thoái.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo trắng phẩm cấp. Ngành sản xuất lúa gạo đang được thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu và ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam