Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các Hiệp định thương mại tự do: Việt Nam- EU, TPP, và hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cùng các Hiệp định thương mại tự do khác đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tầm thương hiệu trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Gạo Việt có sản lượng xuất khẩu thứ 2 thế giới nhưng vẫn hạn chế về thương hiệu.
Ông Trần Việt Thanh- Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học& Công nghệ) cho biết: Đáng tiếc hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu, thương hiện hoặc không thực hiện vì cho rằng chi phí bảo hộ nhãn nhiệu hàng hóa tốn kém, chưa cần thiết. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc một số thương hiệu Việt Nam bị tước đoạt tại thị trường nước ngoài.
Mặt khác, tình trạng xâm phạm bản quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều vụ sản xuất, buôn bán nhập khẩu hàng nhái, hàng giả, sao chép nhãn hiệu, logo cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng đã bị phát hiện và xử lý, nhưng tệ nạn này vẫn tồn tại, phát triển.
Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra yêu cầu rất cao là dỡ bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu ngay khi TPP có hiệu lực, trừ nhóm các mặt hàng có lộ trình 3-5 năm hoặc 10 năm.
Các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) và TPP cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam vào tình huống đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, Việt Nam là nước yếu về khoa học và công nghệ trong số các nước tham gia Hiệp định TPP - ông Thanh nhấn mạnh.
Chúng ta đang ở trình độ phát triển thấp so với 28 nền kinh tế của EU với thu nhập trung bình ít nhất 24.000USD/năm. Các nước dẫn đầu TPP là Hoa Kỳ, Nhật Bản có GDP khoảng 60.000USD, trong khi Việt Nam chỉ đạt khoảng 2.000USD/năm.
Do vậy, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết của các hiệp định thì lúc đó sự cạnh tranh về chất lượng và giá cả, mà thực chất là sự cạnh tranh về trình độ công nghệ giữa sản phẩm hàng hóa Việt Nam và các nước sẽ rất gay gắt.
Hiện nay, thua thiệt trong sản xuất nông sản chủ lực của Việt Nam có vấn đề thương hiệu. Tuy gạo, hồ tiêu, cà phê và một số nông sản khác Việt Nam xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới nhưng giá trị mang lại còn rất thấp.
Nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho nông sản, vì doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu thành công thì tất yếu họ phải đầu tư về vùng nguyên liệu, giống, phân bón, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất, thu hoạch và chế biến.
Không chỉ có gạo, mà các nông sản khác cũng lên phát triển theo hướng xây dựng thương hiệu nông sản gắn với chất lượng và giá cạnh tranh, đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó mới chiếm lĩnh được thị trường. Các đặc sản của các vùng miền như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh, vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, đào Sa Pa, cam Cao Phong- Hòa Bình…cần được phát triển nâng tầm thương hiệu để vươn ra thị trường thế giới.