Tin tức về bạo lực học đường và các vấn đề xung quanh đạo đức học sinh liên tục được các báo đăng tải hàng ngày trong thời gian gần đây. Nó không còn là chuyện cá biệt của một trường mà nó còn diễn ra trên phạm vi cả nước và có thể xem như là một sự “khủng hoảng” về đạo đức học sinh trong các trường phổ thông.
Việc học sinh hành xử với nhau bằng bạo lực ngày càng gia tăng. Tình trạng học sinh đánh nhau, học sinh hành hung giáo viên khiến cho vấn đề càng trở nên phức tạp. Tất cả những vụ việc trên không những phá vỡ đạo lý “tôn sư trọng đạo” vốn đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc ta từ nhiều năm nay, mà còn cho thấy vấn đề xã hội hoá giáo dục ở nước ta còn chưa toàn diện cũng như sự thất bại trong việc dạy và học môn đạo đức trong nhà trường.
Xã hội hoá giáo dục chính là tạo điều kiện để cho toàn xã hội cùng tham gia vào giáo dục. Ai cũng cần phải có trách nhiệm với việc giáo dục năng lực và giáo dục đạo đức cho học sinh, tuỳ thuộc vào từng điều kiện, tính chất công việc của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức. Một đất nước làm sao có thể được coi là xã hội hoá giáo dục khi vẫn còn có nhiều người dửng dưng đến vô cảm khi nhìn thấy học sinh, bạn bè đánh nhau. Cho đến nay khái niệm xã hội hoá giáo dục chỉ dừng lại ở việc tất cả phụ huynh đều tham gia vận động đóng góp các khoản chi phí nhằm tháo gỡ cho nhà trường trước những khó khăn về tài chính.
Một trong những nguyên nhân khá quan trọng đã ảnh hưởng không ít đến sự tha hoá đạo đức học sinh chính là chương trình giảng dạy môn đạo đức ở các cấp học phổ thông. Nhiều ý kiến của giáo viên cho rằng chương trình còn nặng phần lý thuyết và thiếu thốn về thực tế, kĩ năng sống. Do đó chưa tạo nên những đột phá trong việc hình thành nhân cách học sinh trong quá trình giáo dục. Những bài học đạo đức gần gũi với đời sống người dân đã không còn được chú trọng nữa mà thay vào đó là những bài giảng trừu tượng, khó hiểu, chưa bám sát được với thực tế.
Môn đạo đức hôm nay không đơn giản chỉ là đề cập đến những vấn đề nổi cộm về đạo đức học sinh mà nó cần phải được tích hợp cùng các môn khác như lịch sử, văn học... Cần phải đưa học sinh vào xử lý các vấn đề thực tế đang xảy ra hàng ngày trong quá trình phát triển xã hội. Giáo dục đạo đức trong nhà trường nên hạn chế những vấn đề cao xa, to lớn mà thay vào đó cần phải kiên trì nâng cao lòng tin, bồi đắp tinh thần nhân ái, nâng cao tính trung thực, lòng tự trọng, lối sống lành mạnh có kỷ luật.
Chương trình sách giáo khoa giáo dục công dân cũng cần phải có những định hướng thay đổi từ nội dung đến phương thức truyền đạt. Những giá trị đạo đức cần phải được truyền tải đến với từng học sinh sao cho dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ, để từ đó hướng học sinh đến với những thói quen đạo đức và kỹ năng sống phù hợp với những chuẩn mực của xã hội. Có như vậy, những bài học giáo dục đạo đức trong nhà trường mới luôn mới mẻ và thể hiện được hiện thực của cuộc sống, từ đó có thể ngăn chặn bạo lực học đường và hiện trạng tha hoá, xuống cấp của đạo đức học sinh trong xã hội ngày nay.