Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy, sản lượng của Đức giảm trong quý 3, làm tăng nguy cơ suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tổng sản phẩm quốc nội quý 3 giảm 0,1% so với quý trước, nguyên nhân chính là tiêu dùng giảm. Đây là dấu hiệu không tốt cho toàn bộ khu vực sử dụng đồng euro vì Đức là nền kinh tế lớn nhất trong số 20 thành viên.
Ông Claus Vistesen - nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại công ty tư vấn Pantheon Macro Economics - cho biết: “Nền kinh tế Đức một lần nữa đang đứng trước bờ vực suy thoái kỹ thuật”. Suy thoái kỹ thuật là thuật ngữ chỉ hiện tượng hai quý liên tiếp kinh tế tăng trưởng âm.
Nền kinh tế Đức đã rơi vào tình trạng suy thoái trong gần một năm. Theo Destatis, GDP giảm trong ba tháng cuối năm 2022 trước khi xuất hiện tình trạng trì trệ trong quý đầu tiên năm nay.
Các nhà kinh tế cho rằng, tình hình khó có thể sớm cải thiện do lĩnh vực sản xuất rộng lớn của Đức đang phải vật lộn với các thực tế nhu cầu yếu của thị trường Trung Quốc, chi phí năng lượng cao và lãi suất tăng cao. Theo dữ liệu khảo sát tháng 10 được công bố vào tuần trước, các công ty sản xuất đang sa thải nhân sự với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm do số lượng đơn đặt hàng mới giảm và niềm tin “tiêu cực sâu sắc”.
Theo ông Vitesen, rất khó có khả năng nền kinh tế Đức sẽ phục hồi trong quý 4, nhưng rủi ro có xu hướng giảm vào đầu năm 2024.
Hoạt động kinh doanh ở phần còn lại của khu vực đồng euro cũng mờ nhạt khiến các nhà kinh tế cho rằng, một thời kỳ trì trệ, hoặc thậm chí là suy thoái nhẹ sắp xảy ra. Một cuộc khảo sát gần đây với các công ty trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cho thấy, sản lượng sụt giảm mạnh trong tháng 10. Triển vọng về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ cũng trở nên tồi tệ hơn.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo, rủi ro đối với tăng trưởng khu vực “vẫn nghiêng về hướng đi xuống” và cho biết, cuộc chiến Israel - Hamas đồng nghĩa với việc giá năng lượng “khó dự đoán hơn”.