Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, những dự báo tăng trưởng trong năm 2022 giảm ở nhiều nền kinh tế, thì Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings vẫn ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc, dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% trong năm nay, còn với xu hướng dài hạn là 6,5%-7% từ năm 2023.
Theo Bộ Tài chính, việc S&P nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực. Cụ thể, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Trước đó, ngày 22/5, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) sau chuyến tham vấn thường niên của các chuyên gia hàng đầu của tổ chức này cũng đã đưa ra đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Tiến sĩ Sanjay Kalra (chuyên gia cao cấp của AMRO) nhận định: Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm 2022 và 6,5% vào năm 2023. Lạm phát trong năm 2022 dự kiến sẽ kiềm chế ở mức 3,5%. Triển vọng tích cực này dựa trên nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ, sự phục hồi tiêu dùng trong nước và các dòng vốn đầu tư lành mạnh, được thúc đẩy nhờ lập trường chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp.
AMRO cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả quan là do Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, tình hình lây lan dịch do biến thể Omicron gây ra giảm mạnh và Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế biên giới cũng như các biện pháp kiểm soát trong nước.
Đây là những đánh giá khách quan dựa trên những thông số cụ thể về các lĩnh vực kinh tế, cũng như các chính sách điều hành vĩ mô. Đáng chú ý, cũng như AMRO, S&P cho rằng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng thực 10 năm là 4,8%, cao hơn rõ rệt so với mức trung bình các quốc gia với mức thu nhập tương đồng. “Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua, góp phần tăng cường mối liên kết bền chặt giữa Chính phủ và người dân” - nhận xét của S&P.
Tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam được coi là “đi ngược bão” khi mà nhiều quốc gia đã phải hạ mục tiêu tăng trưởng, khi mà chuỗi cung ứng toàn cầu gặp nhiều khó khăn, giá nhiên liệu cũng như giá lương thực, thực phẩm tăng cao, lạm phát ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát trong tháng 4/2022 tại Estonia là 19,1% - đứng đầu Liên minh châu Âu (EU). Tại Anh, lạm phát trong cùng thời điểm là 9%, mức cao nhất trong vòng 40 năm. Còn với nền kinh tế đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ, thì ngày 15/5 Bộ Lao động nước này cho biết lạm phát giá tiêu dùng đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến đây là tháng thứ hai liên tiếp có mức lạm phát trên 8%.
Lạm phát không chỉ giáng đòn trực tiếp vào sinh hoạt của người dân mà còn kéo giảm mức tăng trưởng của nền kinh tế. Ngày 16/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2022 xuống 2,7%, từ mức 4% đưa ra hồi tháng 2. EC cũng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực này năm 2023 là 2,3%, thấp hơn mức 2,7% đưa ra trước đó. Với nước Mỹ, vào hồi cuối tháng 4/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 3,7% trong năm nay, so với dự báo trước đó là 6%.
Điểm qua một số nét chính của kinh tế thế giới được dự báo cho năm 2022 để thấy với rất nhiều nỗ lực, rất nhiều chính sách hợp lý, sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp với Chính phủ, một lần nữa kinh tế Việt Nam lại “vượt bão”. Có thể coi lần thứ nhất chúng ta “vượt bão” là năm 2020.
Theo IMF, năm 2020 thế giới rơi vào cuộc đại khủng hoảng, tính từ năm 1930, với mức tăng trưởng âm (khoảng hơn -4%) do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, GDP của Việt Nam vẫn đạt dương 2,58%. Kỳ tích đó được dự báo sẽ lặp lại trong năm 2022 đầy khó khăn, khi Việt Nam đang chứng tỏ sức mạnh của một nền kinh tế vượt bão.