Nền kinh tế vượt bão: Bài 5 - Hàng hoá Việt Nam và ‘visa toàn cầu’

Thúy Hằng 30/01/2021 08:38

Xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã mở rộng dần theo thời gian cả về quy mô và chất lượng. Số lượng, mặt hàng xuất khẩu cũng ngày càng đa dạng và phong phú, đặc biệt đã phát triển thêm một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và tạo vị thế cao. Kể cả trong năm 2020 đầy khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng. Giới chuyên gia cho rằng, với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết , có thể nói hàng hóa Việt Nam đã  có “tấm visa toàn cầu”.

Hệ thống Logistic được đầu tư tốt giúp xuất khẩu tăng trưởng.

Thặng dư thương mại cao

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều hàng hóa, chẳng hạn hạt điều (đứng vị trí thứ 1), cà phê và giày dép (đứng vị trí thứ 2), hay dệt may (đứng vị trí thứ 3), và cả thủy sản (đứng vị trí thứ 6).

Trong suốt nhiều năm qua, nền kinh tế Việt Nam luôn gồng mình vượt khó, chống chọi với thiên tai, dịch họa để khẳng định mình. Hàng Việt Nam tìm mọi cách để có visa , có mặt tại nhiều thị trường, đưa thặng dư thương mại tăng theo thời gian.

Năm 2016 cán cân thương mại đạt con số xuất siêu 2,68 tỷ USD; năm 2017 cả nước xuất siêu 2,92 tỷ USD; năm 2018 thặng dư thương mại gấp 3 lần năm 2017 với con số 6,8 tỷ USD; năm 2019 nền kinh tế bứt phá ngoạn mục khi cả nước xuất siêu 11,12 tỷ USD.

Năm 2020, khó khăn bội phần nhưng ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu, khi cán cân thương mại hàng hóa lập con số kỷ lục với mức xuất siêu 19,1 tỷ USD, tăng gần 7 lần so với năm 2016.

Trong năm năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Việt Nam ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.

Nhưng quan trọng hơn, kết thúc năm 2020 cả nước có tới 31 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, mà giới quan sát vẫn thường gọi là “ câu lạc bộ tỷ đô”. Trong đó có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép; gỗ và sản phẩm.

Không những thế,ở 3 nhóm ngành hàng lớn chủ lực xuất khẩu là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may có sự thay đổi ngoạn mục.

Năm 2016, nếu như xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới đạt 34,3 tỷ USD, thì năm 2020 đã vươn tới con số 51,2 tỷ USD, tăng 49,3%, tương đương gần 17 tỷ USD.

Trong khi đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có mức tăng mạnh nhất tới hơn 135%, tương đương hơn 25,6 tỷ USD (năm 2020 đạt 44,6 tỷ USD, trong khi năm 2016 mới là 18,96 tỷ USD).

Ngành hàng dệt may dù đối mặt nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh nhưng cũng đạt được mức tăng trưởng khá là 25%, tương đương 6 tỷ USD (năm 2020 đạt 29,8 tỷ USD, trong khi năm 2016 mới là 23,8 tỷ USD).

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc, thị trường EU…

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói, dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn rất khả quan và đã đạt giá trị tuyệt đối 281 tỷ USD. Đây là con số nói lên nhiều điều. Vì nếu không có con số đó, các ngành sản xuất và người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn về đầu ra cho hàng hóa, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng không thể giữ vững. Kết quả xuất nhập khẩu này cho thấy chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa bền vững đang đi đúng hướng và đạt kết quả tích cực.

Mở ra những cơ hội mới

Có thể nói rằng, khi nền kinh tế hội nhập rộng và sâu ắt mở ra các thời cơ cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong nước. Bằng chứng là năm 2020, nền kinh tế đã chính thức đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA)… tất cả tạo cơ hội giao thương cho doanh nghiệp. Hoạt động xuất nhập khẩu nhờ đó tạo được những thành công lớn hơn, thiết lập thêm nhiều kỷ lục mới, nâng vị thế nền kinh tế.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nói chuỗi giá trị trong nước nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu nên cần đa dạng hóa hàng hóa sản phẩm, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nhìn nhận của giới chuyên gia, nếu tận dụng tốt, các FTA không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là lối rẽ để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững nền kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) cho biết, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Nếu đặt so sánh trong chuỗi thời gian dài tính theo năm, xuất siêu có được là nhờ xuất khẩu vẫn giữ được nhịp, trong khi đó nhập khẩu giảm. Điều này cho thấy, doanh nghiệp ngày càng tự chủ hơn nguồn nguyên liệu để kinh doanh sản xuất.

Đặc biệt hơn, đặt trong bối cảnh dịch Covid19 diễn biến khó lường, một số ngành hàng xuất khẩu vẫn trụ vững cho thấy nền kinh tế vẫn có điểm sáng, doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được thời cơ, để trong nguy có cơ.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, để hàng hoá thuận đường vươn xa, nỗ lực cũng phải nhắc đến phía cơ quan hải quan khi ngành Hải quan đã áp dụng tối đa các biện pháp quản lý rủi ro về hải quan, qua đó, giảm gánh nặng về thủ tục hải quan trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Cơ quan Hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan theo quy định là bản chụp; không yêu cầu phải ký tên, đóng dấu trên các chứng từ này khi gửi qua hệ thống...

Thiết thực giúp doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cục hải quan tỉnh, thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hải quan, duy trì thực hiện tốt việc khai báo, thông quan qua mạng, nâng cao số hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến. Tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, cơ quan Hải quan áp dụng kiểm tra hàng hóa (soi chiếu container) xuyên suốt 24/7 theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, các chi cục hải quan thường xuyên bố trí công chức trực ngoài giờ hành chính để giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế vượt bão: Bài 5 - Hàng hoá Việt Nam và ‘visa toàn cầu’