Hội nghị Chủ tịch MTTQ Việt Nam các tỉnh thành phố năm 2018 được tổ chức ngày 4/7 là hội nghị thường niên của đội ngũ lãnh đạo Mặt trận. Vì vậy, tại hội nghị này, vai trò tập hợp, phát huy tinh thần đại đoàn kết của người đứng đầu một lần nữa được nêu cao. Đặc biệt trong bối cảnh Đại hội MTTQ các cấp tiến tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ 9 đã cận kề.
Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại Hội nghị.
Nhiều ý kiến tại hội nghị đã tập trung thảo luận xung quanh Dự thảo Hướng dẫn xây dựng Báo cáo chính trị của Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp; Đề cương Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 9; Tờ trình về dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi).
Chia sẻ niềm vui với những người đồng nghiệp ở 63 tỉnh thành, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ tịch UBMTTQ TP Hà Nội cho rằng, 6 tháng vừa qua, kể cả những tháng cuối năm 2017, công tác Mặt trận từ trung ương tới cơ sở đã hiện diện trên nhiều mặt của đời sống, vai trò Mặt trận ngày càng được khẳng định một cách rõ nét và đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung phương thức hoạt động.
Đánh giá cao công tác vừa chỉ đạo vừa hướng dẫn đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để các địa phương thực hiện của UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Vũ Hồng Khanh nêu bật sức mạnh hiệu quả từ việc triển khai quy chế phối hợp giữa Mặt trận với Chính phủ và các bộ ngành đã tác động đến các cấp chính quyền trong công tác phối hợp.
Đặc biệt việc Mặt trận Trung ương có những chỉ đạo kịp thời trong một số sự việc nổi cộm xảy ra trong đời sống nhân dân đã định hướng cho cơ sở thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả như việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân để giải quyết kịp thời những bức xúc.
Góp ý về Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội MTTQ Việt Nam thứ 9, ông Vũ Hồng Khanh đề cao phương án tiêu đề báo cáo: Phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh.
Và chủ đề của Đại hội là: Đoàn kết- dân chủ - đồng thuận- phát triển.
Cũng theo ông Khanh, đã đến lúc phải tính đến vai trò của Mặt trận trước dân.
Mặt trận là một tổ chức chính trị nhưng bên cạnh đó còn là một tổ chức xã hội nhưng hiện nay vai trò Mặt trận dưới góc độ là một tổ chức xã hội chưa rõ lắm.
Đề cao vai trò quan trọng của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, tuy nhiên, ông Khanh cho rằng, trong việc sửa đổi bổ sung Điều lệ Mặt trận tổ quốc Việt Nam nên để ban này phát triển phù hợp theo từng nơi, từng hoàn cảnh cụ thể.
Ví dụ, hiện nay Hà Nội đang có đề án phát triển chính quyền đô thị, trong đó, chính quyền đô thị không nhất thiết phải có 3 cấp, do đó ban công tác Mặt trận cần phải được tổ chức linh hoạt hơn trong cơ cấu hệ thống tổ chức.
Cũng theo ông Vũ Hồng Khanh, trong 6 tháng đầu năm vừa qua, Mặt trận Hà Nội đã tham gia giám sát hơn 5000 cuộc, và phản biện 3 nội dung.
Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội cho rằng, nhiệm vụ của Mặt trận thì nhiều, không chỉ làm nhiệm vụ giám sát, phản biện, không chỉ làm tuyên truyền vận động mà làm gì thì làm cũng đều phải hướng tới sự ổn định và phát triển.
Đồng tình với ông Vũ Hồng Khanh về hệ thống Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Trị cho rằng, Ban Công tác Mặt trận mặc dù có vai trò đặc biệt nhưng liệu có cần quy định Trưởng ban Công tác Mặt trận phải là cấp ủy như trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam yêu cầu.
Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang phát biểu tại Hội nghị.
Hiện nay, do yêu cầu của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, ở cấp huyện, Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận ở cấp huyện và là Ủy viên Thường vụ.
Còn tại cấp tỉnh, gắn với thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu mỗi ban, đơn vị thuộc Mặt trận tỉnh là 5 người, chính vì vậy, ông Nguyễn Đăng Quang đề nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam có văn bản hướng dẫn cụ thể để Mặt trận tỉnh chủ động báo cáo với cấp ủy đề án sắp xếp sao cho phù hợp.
Nhấn mạnh sứ mệnh đại đoàn kết của Mặt trận, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Trị cho rằng, tính kết nối trong sức mạnh đại đoàn kết đang được tăng cường, tuy nhiên, trước những điểm nóng phát sinh, ví dụ như những vụ việc ở Bình Thuận trong thời gian qua đã cho thấy Mặt trận các cấp ở một số địa phương vẫn còn lúng túng trong đối phó với tình huống dẫn đến việc xử lý điểm nóng không hiệu quả.
Theo kinh nghiệm từ MTTQ tỉnh Quảng Trị, khi nhân dân không đồng tình với việc khai thác titan, chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng kinh tế, Mặt trận tỉnh phối hợp với cơ sở đã gặp dân, nghe tiếng nói của nhân dân và kiến nghị với Sở Tài nguyên Môi trường để kiến nghị xem xét, ngay sau đó dự án đã được dừng lại.
Do vậy, ông Quang cho rằng, trong công tác làm báo cáo, Mặt trận các cấp cần trung thực phản ánh đúng thực tế và “nếu yếu thì phải phản ánh thực tế là yếu, chưa vững chắc thì phải nói là chưa vững chắc, không phải cái gì cũng báo cáo là tốt”.
Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Hưởng phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho rằng, sau 3 năm thực hiện đổi mới, Quảng Ninh đã lựa chọn các nhiệm vụ chính trị của tỉnh theo cả nhiệm kỳ 5 năm, tập trung vào các mục tiêu dài hạn, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đưa tỉnh thành tỉnh dịch vụ công nghiệp.
Hiện nay, tại những huyện có nhiều đồng bào dân tộc, tỉnh đã tập trung đưa các xã khó khăn thoát nghèo.
Trong đó, Mặt trận chọn ra 1-2 mô hình, mỗi mô hình có sản phẩm cụ thể như việc xóa nhà tạm cho người nghèo, nhà cho người có công thông qua sự huy động nguồn ngân sách trên toàn tỉnh.
Theo ông Hưởng, MTTQ tập trung vào tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với cấp ủy, chính quyền triển khai các dự án mang tính động lực cho toàn tỉnh.
Thực tế hiện nay ở Quảng Ninh diện tích thu hồi đất rất lớn để phục vụ cho các dự án này, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
“MTTQ và các đoàn thể đã xây dựng kế hoạch tham gia vào quá trình thu hồi đất đai thông qua việc giám sát thực hiện của các cơ quan công quyền và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân từ những kiến nghị, Mặt trận cùng với cấp ủy, chính quyền tham gia giải đáp khúc mắc”, ông Hưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong công tác giám sát không có chương trình riêng mà tỉnh ban hành một chương trình tích hợp tất cả các nội dung để tránh sự trùng lắp, phát sinh nhiều đoàn thanh tra tại cơ sở.
Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam Võ Xuân Ca phát biểu tại Hội nghị.
Chia sẻ với các đại biểu tại hội nghị, ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam cho rằng, điều cần nhất cho hoạt động của Mặt trận hiệu quả là cơ quan Thường trực phải ổn định.
Ông Võ Xuân Ca đề nghị Mặt trận Trung ương cần bàn với Ban Tổ chức Trung ương về Nghị quyết 282 để Ban Thường trực Mặt trận các cấp sắp xếp nhân sự theo đúng điều lệ của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội.
Cũng theo ông Ca, Ban Công tác Mặt trận không nhất thiết cần phải đưa vào Điều lệ MTTQ Việt Nam mà chỉ cần văn bản của Trung ương đã có thể hoạt động hiệu quả.
Đánh giá cao Dự thảo Đề cương báo cáo chính trị có nhiều nét mới, tuy nhiên, ông Ca cũng góp ý các chương tránh trùng lặp và cần có đột phá.
Ông Võ Xuân Ca cũng cho rằng, vị trí, vai trò của Mặt trận hiện nay có nhiều đổi mới, do vậy, nội dung giám sát, phản biện phải thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần củng cố niềm tin cho nhân dân.
Chủ tịch MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại Hội nghị.
Nhận xét về Báo cáo hoạt động công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Tiến - Chủ tịch MTTQ tỉnh Thừa - Thiên Huế cho rằng báo cáo rất đúng, đủ và sát thực tế.
“Thông qua những hoạt động đó vai trò của Mặt trận các cấp được nâng lên rõ rệt, góp phần xây dựng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đẩy mạnh tinh thần đoàn kết toàn dân”, ông Tiến nhận định.
Người đứng đầu MTTQ tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đưa ra một số ý kiến góp ý như hiện nay chúng ta có một số chỉ số đánh giá về sự phát triển kinh tế - xã hội như PAPI, cải cách hành chính (PAR INDER)… nhưng giữa các chỉ số này không có sự thống nhất, ví dụ như có nơi chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính cao nhưng ngược lại sự hài lòng của người dân lại thấp, điều này tác động xấu đến sự phát triển của địa phương.
“Vì thế Mặt trận cần có ý kiến đến cơ quan chức năng để có sự thống nhất trong việc khảo sát các chỉ số”, ông Tiên nhấn mạnh.
Về Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ 9, theo ông Tiến, trong báo cáo phần phương hướng nhiệm vụ vẫn 5 chương trình như cũ, ông Tiến đề nghị cần phát huy, tổ chức thực hiện, đổi mới các chương trình này tốt hơn.
“Về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam, tôi chọn phương án 2 vì có sự thay đổi rõ rệt. Nhìn vào đó thực hiện thuận lợi hơn, tuy nhiên phần Ban công tác Mặt trận nên giữ như cũ”, ông Tiến nói.
Chủ tịch MTTQ tỉnh Kiên Giang Lê Thị Vệ phát biểu tại Hội nghị.
Bà Lê Thị Vệ - Chủ tịch MTTQ tỉnh Kiên Giang đánh giá cao về công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm 2018 vì đã có nhiều đổi mới trong triển khai hoạt động của MTTQ các cấp.
Về việc thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương khóa XII, Chủ tịch MTTQ tỉnh Kiên Giang cho hay, Tỉnh ủy Kiên Giang đã có chương trình hành động và đề ra Nghị quyết riêng.
Theo đó, đáng kể nhất là công tác tinh gọn bộ máy, từ 22 công chức cấp xã nay đã gom lại chỉ còn 11, Ban Công tác Mặt trận từ 11 chức danh nay còn 6.
Ngoài ra, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Mặt trận cấp xã đều kiêm nhiệm 2 chức danh khác như đoàn thanh niên, nông dân, phụ nữ…8/15 cấp huyện, thị, thành phố đã thực hiện theo mô hình Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế của tỉnh Quảng Ninh
Góp ý vào các văn kiện chính trị chuẩn bị cho Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ 9 nhiệm kỳ 2019-2024, bà Lê Thị Vệ chỉ ra việc 5 nhiệm vụ trọng tâm hiện trùng lặp với chương trình hành động.
“Chính vì vậy, cần xác định nhiệm vụ trọng tâm là gì và phải mang tính chất đột phá, thể hiện tính nổi trội và khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận”, bà Vệ nêu quan điểm.
Trong công tác giám sát, phản biện theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, bà Vệ cho rằng hiện đã trải qua 5 năm thực hiện, vấn đề phản biện ở cấp xã thực hiện chưa tốt, chính vì vậy cần phải đưa ra chủ trương cho phù hợp với vai trò phản biện ở cấp xã để phù hợp với năng lực nghiên cứu văn bản, tổng hợp tình hình tại địa phương.
Chủ tịch MTTQ TP Cần Thơ Phan Thị Hồng Nhung phát biểu tại Hội nghị.
Đánh giá cao Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2018, Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch MTTQ TP Cần Thơ cho rằng, Báo cáo đã thể hiện rõ những hoạt động của Mặt trận từ Trung ương đến các tỉnh, thành.
“Chúng ta đã tập trung cao độ nhiệm vụ của công tác Mặt trận, đặc biệt là những nhiệm vụ phối hợp. Trong đó, Trung ương đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ, là đầu tàu cho các địa phương làm theo sát, hợp với tình hình thực tiễn”, bà Nhung nói.
Tuy nhiên, bà Nhung đề nghị cần đánh giá lại việc thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” sau khi đã chọn 9 địa phương làm điểm.
Góp ý về Báo cáo chính trị Đại hội MTTQ lần thứ 9 nhiệm kỳ 2019-2024, người đứng đầu Mặt trận TP Cần Thơ cho rằng, chủ đề đã phù hợp với thực tiễn, nhất là sử dụng từ “đồng thuận” trong thời điểm hiện nay.
Theo bà Nhung, riêng về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của MTTQ Việt Nam thì vẫn chưa đủ, vì hiện nay, tại nhiều địa phương, một số Ủy viên Thường trực còn là Trưởng ban đơn vị mà trong Điều lệ hiện hành chưa phân định rõ vị trí này.
“Đề nghị bổ sung vào Điều lệ, trong Ban Thường trực của Mặt trận các tỉnh, thành và quận, huyện nên có bộ phận Thường trực gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch để không bị đánh đồng với các Ủy viên Thường trực là Trưởng các ban đơn vị. Bởi ở Trung ương lâu nay Ban Thường trực chỉ gồm có Chủ tịch và các Phó chủ tịch”, bà Nhung nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tòng.
Ông Nguyễn Văn Tòng - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa cũng thống nhất và đồng tình cao với Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2018. Đặc biệt, sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các tỉnh, thành trước đó, ông Tòng cho rằng, MTTQ Thanh Hóa sẽ nghiên cứu để vận dụng thực hiện sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa bày tỏ băn khoăn trước việc tổng hợp tình hình dư luận xã hội, vì qua theo dõi tình hình cơ sở hiện nay còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định.
“Qua tiếp xúc, người dân vẫn còn rất nhiều tâm tư, suy nghĩ nếu Mặt trận không nắm bắt kịp thời và tham mưu, đề xuất cơ quan chức năng hướng giải quyết thì nhiều thế lực thù địch sẽ dựa vào đó để kích động, gây mất an ninh trật tự”, ông Tòng nói.
Theo ông Tòng, hiện nay nhiều chính sách thiết thực với người dân giải quyết còn chậm. Đảng, Nhà nước quan tâm đến phát triển doanh nghiệp, điều này là đúng nhưng nhiều quyền lợi của người dân lại giải quyết chậm.
Ví dụ, việc cấp đất cho doanh nghiệp được xúc tiến nhanh, trong khi những việc bức thiết như xin chủ trương giải quyết thủ tục giãn dân, di dân thì giải quyết chậm trễ, việc này dư luận nghi ngờ có sự “bôi trơn”, “lót tay” của doanh nghiệp và bỏ quên quyền lợi của người dân.
“Ngay cả chính sách cho người có công cũng chậm. Có những việc rất nhỏ nhưng ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Trong khi đó, những việc như thế này hàng ngày, hàng giờ tác động dẫn đến một số người có suy nghĩ lệch lạc và có hành động không tốt”, ông Tòng chia sẻ.
Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tòng đề nghị Mặt trận các địa phương cần phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân phải cập nhật thường xuyên, sát thực tế.
Bởi thực tế có những địa phương không muốn báo cáo lên Trung ương những vấn đề nổi cộm của địa phương mình và có nơi còn chuẩn bị 2 báo cáo, báo cáo cho Trung ương thì “đẹp” còn của địa phương thì khác.
“Mặt trận cần nghe được thật, nói được thật, không nên báo cáo mọi thứ đều tốt cả”, ông Tòng thẳng thắn.
Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Huy.
Khẳng định vai trò của Mặt trận trong tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phối hợp thực hiện các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, đặc biệt là công tác lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An cho biết, trong 2 năm 2016-2017, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung vào vấn đề yên dân.
Đặc biệt là tại các giáo xứ, cán bộ Mặt trận các cấp đã ngăn chặn kịp thời những tư tưởng đi lệch với đường lối thông qua việc thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của nhân dân, nắm được những bức xúc trong nhân dân, tích cực tiếp xúc với các chức sắc, chức việc từ đó cô lập các đối tượng cực đoan và thông qua tiếng nói của các chức sắc, chức việc tuyên truyền cho đồng bào có đạo đi theo đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
“Mặt trận phải hành động, phải bắt tay vào những vấn đề thiết thực và phải có những văn bản cụ thể triển khai tới tận phường, xã giúp cho cơ sở thực hiện tốt các chương trình hành động đã đề ra. Phải chọn được những vụ việc cụ thể và phải có bước đi, lộ trình để từng bước khẳng định vị thế của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.”, ông Huy nhấn mạnh.
Trong công tác triển khai Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, ông Huy cho rằng chỉ làm thí điểm những nơi có điều kiện và đồng thuận cao trong việc trển khai Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng đồng thời đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam có hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai công tác sắp xếp cán bộ để tránh việc trái với Luật Mặt trận và Điều lệ MTTQ Việt Nam.