Nếu ta chỉ cưới người thông minh, thì còn những người đẹp, ai sẽ lấy

Trần Hữu Thăng 12/07/2018 10:50

Trong cuốn sách dày hơn 700 trang, biên soạn rất công phu của tác giả Nguyệt Ánh, mang tên: “Các nhà Thông thái và 6000 câu danh ngôn Thế giới” do Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2005 có nhiều câu danh ngôn tuyệt vời, gây nhiều cảm xúc trái ngược cho người đọc.

Nếu ta chỉ cưới người thông minh, thì còn những người đẹp, ai sẽ lấy

Siêu mẫu Aziza Saint trong trang phục áo dài Việt (Ảnh: Din Nguyễn).

Ở trang 485 của cuốn sách đã nêu, có một câu của nhà triết học D.Rudi làm nhiều người giật mình, kinh ngạc và thấm thía. Câu đó là: “Nếu ta chỉ cưới người thông minh, thì còn những người đẹp, ai sẽ lấy”.

Cứ theo sự hiểu biết thông thường thì người đàn bà thông minh được Rudi coi trọng hơn, xếp hạng cao hơn người đàn bà đẹp.

Điều này có đúng không? Cần có thí dụ, có phân tích, có dẫn chứng thực tế trong đời sống hàng ngày và đặc biệt là phải dựa vào cái “Túi khôn” của tiền nhân để lại, tức là phải dựa vào các ca dao, tục ngữ, danh ngôn, trích dẫn (Famous saying) đã được đưa vào các Từ điển ngôn ngữ chính thống của nhân loại.

Ca dao tục ngữ Việt Nam đã để lại nhiều câu rất chuẩn để phân biệt các tiêu chuẩn thông minh và cái đẹp của người đàn bà.

Hãy xét câu: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Cái nết đây là sự thông minh, lanh lợi, tháo vát của người phụ nữ khôn ngoan. Một khi họ đã lấy chồng, họ nhất định giữ gìn hạnh phúc gia đình một cách thông minh, khôn ngoan, tỉnh táo. Họ xả thân vì chồng, vì con. Họ là tấm gương của sự hy sinh, sự chung thủy, làm người chồng nể, phục.

Nhiều người chồng dù có tính trăng hoa, nhưng tính đi tính lại, thấy mấy người “bồ nhí lăng nhăng” không sánh bằng cái gót chân người vợ hiền đã hết lòng vì cha mẹ mình, vì con mình, đã tần tảo khó nhọc giúp cho mình ăn học thành tài.

Bên trong sâu thẳm của chữ Tình, còn có cả chữ Nghĩa, còn có lòng biết ơn của người chồng nên rõ ràng cái nết đã thắng cái vẻ đẹp quyến rũ bên ngoài, cái nết đã đánh chết cái đẹp mong manh, nhất thời.

Cũng theo cái ý này, một ngạn ngữ cổ Hy Lạp đã ca ngợi cái thông minh tài giỏi của người đàn bà khi dặn dò: “Người đẹp mà không có trí thông minh cũng giống như kẻ đi câu, có mồi mà không có lưỡi câu”.

Nghĩa là cái vẻ đẹp lộng lẫy ở một người vô tích sự thì không giúp ích gì được cho chồng, cho con, cho gia đình lâu dài.

Lại có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” của các cụ xưa để lại, có ý răn dạy chúng ta nên quý trọng những cái thực chất, cái bền lâu, chớ chạy theo cái nước sơn, cái vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài.

Một cái tủ sơn rất đẹp mà gỗ tồi thì chóng mọt, chóng gẫy, là một hình ảnh nhắc nhở chúng ta về vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ dù có lộng lẫy, có quyến rũ bao nhiêu mà không có cái “nết” tốt thì cũng không thể bền lâu được.

Một ngạn ngữ cổ Ả Rập cho biết tác dụng chính xác về cái đẹp của người đàn bà: “Sắc đẹp chỉ cần trong lễ cưới, còn lòng tốt của người đàn bà là cái ta cần suốt đời”. Triết lý Ả Rập bao giờ cũng sâu sắc nhưng cực kỳ cụ thể và dễ hiểu.

Còn đại thi hào Ấn Độ - Tagore lại nhìn cái đẹp của người đà bà ở chỗ thực chất, ở chỗ tự phấn đấu, tự vươn lên, tự hy sinh nhẫn nại để bảo vệ tình yêu chứ không phải cái bề ngoài quyến rũ khi ông viết: “Hỡi sắc đẹp, hãy tự tìm mình trong tình yêu, chứ đừng tìm ở lời nịnh hót của chiếc gương soi”.

Cao quý thay cái sắc đẹp mà người đàn bà tự tìm thấy trong hy sinh, trong phấn đấu, trong tình yêu chân chính.

Nhiều học giả phương Tây cũng có những phân tích rất hay, rất sâu sắc về cái đẹp, cái nhan sắc của người đàn bà. Robert Burns (1759 – 1798) đã chỉ rõ: “Sắc đẹp là một thứ tàn phai tự nhiên, nó chỉ đẹp một mùa, rồi sau đó lụi tàn” (Beauty is of a fading nature, has a season and is gone).

Vậy chúng ta có dám dựa vào cái “phai tàn tự nhiên” ấy để gửi gắm việc trăm năm không?

Học giả Biélinski thẳng thắn cảnh báo những người đàn ông dại dột khi ông viết: “Không có gì nguy hiểm bằng gắn bó số phận mình với số phận của một người phụ nữ chỉ vì cô ta đẹp”.

Trên thực tế có rất nhiều thí dụ cho lời căn dặn của Biélinski. Bao cảnh tan cửa nát nhà cho “Tập 1” (cưới vợ đẹp lần thứ nhất), bao cảnh trớ trêu “cười ra nước mắt” trong mô hình gia đình “con anh con em đánh con chúng ta” cho “tập 2” (cưới vợ đẹp đã có con riêng lần thứ hai)...

Tất cả những người đàn ông bất hạnh vì lấy phải vợ đẹp mà không có đạo đức, không có sự thông minh để phân biệt phải trái, thực ra họ đã quên mất lời dạy của văn sỹ lừng danh Henri Beyle, với bút danh lừng lẫy là Stendhal (1783 – 1842) khi ông nhắc nhở: “Cái vẻ đẹp phụ nữ chỉ là điều hứa hẹn của hạnh phúc mà thôi” (La beauté n’est que la promesse du bonheur).

Thảo luận về cái nhan sắc tuyệt trần, cái vẻ đẹp mê hồn của người đàn bà, trong lịch sử văn chương Đông Tây, Kim Cổ đã tốn kém không biết bao nhiêu là giấy, là mực. Không nên sa đà vào cái việc ấy. Nên chú ý mấy gợi ý sau đây:

- Có người nói: Thượng đế rất công bằng, ngài không cho ai tất cả, ngài cũng không lấy đi của ai tất cả. Có thể nêu thành một công thức cho dễ hiểu:

Hình thức (sắc đẹp) + Nội dung (thông minh) = 10 điểm.

A càng tăng thì B càng giảm, vì tất cả chỉ có 10 điểm mà thôi. Hạnh phuc nhất cho ai khi A = B, thì mỗi thứ đều có ưu có khuyết, ta có một cuộc sống trung bình là tốt rồi.

- Tại sao một cô gái đẹp không có điều kiện tu dưỡng, học tập, hy sinh cho người khác như những phụ nữ bình thường?

Rất dễ hiểu, ngay từ khi học phổ thông, cô gái đẹp đã có nhiều chàng trai theo đuổi, tán tỉnh, trêu ghẹo. Thế là mất tập trung học tập. Thế là mất cơ hội tu dưỡng. Có cô lại bị cái lý thuyết độc hại “Em đẹp em có quyền” đầu độc, nên sẵn sàng buông thả bản thân, lấy cái thú ăn chơi trác táng làm lý tưởng sống.

Thường cuộc sống hôn nhân của các người đẹp nghiêng nước nghiêng thành có diễn biến như sau: Lấy một đại gia giầu có để được hưởng thụ vật chất.

Được một thời gian chán chồng vì chồng phá sản, không điển trai, không khỏe mạnh bằng những người đàn ông cô gặp gỡ hàng ngày.

Thế là ngoại tình, thế là ly dị, thế là tan cửa nát nhà. Lúc tỉnh ngộ lại, đã luống tuổi, cơ hội làm lại đã hết.

Đúng như văn hào Somerest Maugham (1874 – 1965) đã viết: “Tại sao đàn bà đẹp thường kết hôn với những loại đàn ông không ra gì?

Bởi vì đàn ông thông minh không bao giờ cưới đàn bà đẹp” (Trích từ “Các nhà Thông thái và 6000 câu danh ngôn Thế giới” – Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2005, trang 469).

Ông Maugham nói rất đúng, vì đã là người bình thường, ai dám xông vào cảnh “tan cửa nát nhà” đã được báo trước mà không run tay, mà không lưỡng lự, mà không ngần ngại !

Theo điều tra xã hội học mới nhất, nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và những người đàn ông ở các ngành, các giới sống thọ, sống khỏe mạnh thường có vợ, có con, có cháu, nghĩa là có một cuộc sống hôn nhân bình thường.

Điều kết luận này chẳng có gì mới cả, vì cách đây gần 300 năm, Voltaire vĩ đại (1694 – 1778) đã từng dạy: “Hôn nhân giúp cho người đàn ông trở nên đức độ hơn, trở nên khôn ngoan hơn” (Le mariage rend l’homme plus vertueux et plus sage). Ai chả muốn trở nên đức độ hơn, ai chả muốn trở nên khôn ngoan hơn sau khi lấy vợ, nhưng cái khó là khâu kén chọn vợ. Lấy người hiền đức hơn hay lấy người xinh đẹp hơn?

Thế còn cái lợi của luật “Một vợ một chồng” là gì? Tác giả Hayem đã chỉ rõ: “Nếu ta chỉ có một người vợ thôi thì có cái lợi là họ bênh vực ta để ta chống lại mọi người đàn bà khác” (L’avantage de n’avoir qu’une femme, c’est qu’elle vous protège contre toutes les autres).

Thì ra, ở đời có những cái lợi mà phải nói ra, phân tích ra người đời mới được biết.

Để khép lại bài viết, rất nên tham khảo lời nhận xét sau đây của triết gia cổ đại Arbiter Petronius: “Sắc đẹp và sự thông minh ít khi tìm thấy trên cùng một người đàn bà” (Nguyên văn tiếng La Tinh: Raram facil misturam cum sapientia forma).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nếu ta chỉ cưới người thông minh, thì còn những người đẹp, ai sẽ lấy