Nga và châu Âu hôm 14/3 tuyên bố họ đã triển khai một nhiệm vụ chung đầy tham vọng, trong đó phóng một vệ tinh lên bề mặt Sao Hỏa để thu thập thông tin địa chất hành tinh đỏ này, một bước tiến mới trong công cuộc chinh phục vũ trụ của nhân loại.
Module hạ cánh Schiaparelli, 600 kg, có thể hoạt động
trong vài ngày liền để đảm bảo cú đáp hạ an toàn. (Nguồn: BBC).
Vệ tinh trên, có tên gọi ExoMars Trace Gas Orbiter (TGO), đã được phóng từ Baikonur, Kazhakstan vào lúc 9h31 ngày 14/3 giờ GMT (16h31 giờ Việt Nam). TGO sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra bề mặt hành tinh đỏ để xem liệu khí methane ở hành tinh này có phải bắt nguồn từ một nguồn địa chất hay được sản sinh ra từ vi khuẩn.
Nếu như nhiệm vụ này thành công, châu Âu và Nga dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thêm một xe thăm dò đến Sao Hỏa để kiểm tra bề mặt trong một nhiệm vụ khác có khả năng sẽ bắt đầu vào năm 2019 hoặc 2020.
Được biết để lắp đặt vệ tinh lên tên lửa đẩy để phóng đến Sao Hỏa, các nhà khoa học đã phải mất hơn 10 giờ đồng hồ, sau đó TGO bay ra khỏi trái đất với vận tốc khoảng 33.000 km/h.
Đối với Nga, Sao Hỏa luôn được xem là một điểm đến đầy rủi ro. Họ đã từng triển khai 19 nhiệm vụ lên hành tinh đỏ, nhưng hầu hết trong số này đều thất bại ê chề. Nhiều tên lửa đẩy của họ nổ tung chỉ vài phút sau khi cất cánh, số khác chỉ bay lơ lửng ngoài bầu khí quyển trái đất rồi rơi xuống, trong khi một vài tên lửa nổ tung và bốc cháy trên Sao Hỏa…
Được đánh giá là ổn định trong lần phóng này, các nhà quản lý dự án thuộc trung tâm Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) ở Darmstadt, Đức dự kiến sẽ nhận được tín hiệu từ TGO sau khi nó đến được khí quyển hành tinh đỏ sau một hành tình kéo dài khoảng 7 tháng. Theo tính toán, 3 ngày sau khi đến Sao Hỏa (khoảng ngày 16/10 tới), vệ tinh sẽ phóng ra một module hạ cánh có tên gọi Schiaparelli.
Module hạ cánh Schiaparelli có trọng lượng gần 600 kg sẽ được thả vào bầu khí quyển Sao Hỏa và đáp xuống bề mặt của hành tinh này nhằm xác thực độ chính xác của hàng hoạt nghiên cứu mà các nhà khoa học châu Âu đã thực hiện.
Ngay khi đã đáp xuống bề mặt Sao Hỏa, dự tính vào ngày 19/10, TGO sẽ tập trung vào nhiệm vụ điều khiển một số thiết bị phục vụ cho nghiên cứu khoa học, dù các kỹ sư đang háo hức muốn xem xem khả năng hoạt động của nó ra sao.
Kết quả của những nghiên cứu đó sẽ tạo điều kiện cho một module khác trong dự án ExoMars tiếp tục hạ cánh lên bề mặt Sao Hỏa vào năm 2018, sau đó là các module khác.
Mục đích chính của sự hợp tác này là tìm kiếm khí methane trong khí quyển trên Sao Hỏa nhằm phát hiện thêm về nguồn gốc của loại khí này trên hành tinh đỏ.
Theo giới khoa học, khí methane có thể sinh ra trên cơ sở 2 quá trình khác nhau là địa chất học và sinh vật học. Trước đó, có nhiều tài liệu cho rằng khí methane từng tồn tại trên Sao Hỏa, cũng có ý kiến cho rằng khí này biến mất khỏi bầu khí quyển Sao Hỏa cách đây 100 năm.
Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu nào cho thấy trên Sao Hỏa đã diễn ra những quá trình như thế, đặc biệt là không có sự hoạt động của núi lửa và cũng không có hoạt động sinh vật.
Năm 2013, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga (Roscosmos) và ESA đã nhất trí hợp tác nghiên cứu hệ Mặt Trời, đặc biệt là dự án thám hiểm Sao Hỏa ExoMars. Ban đầu, châu Âu dự định thực hiện dự án này với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nhưng năm 2012, phía Mỹ đã rút khỏi dự án vì không đủ phương tiện. Do đó, châu Âu đã đề nghị Nga tham gia với việc sử dụng 2 tên lửa đẩy hạng nặng của Nga để phóng trạm ExoMars. Nga hiện vẫn giữ được vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu khoa học vũ trụ.
Hồi tháng 8 năm ngoái, một dự án nghiên cứu vũ trụ của NASA cũng tìm đến Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga để ký kết hợp đồng đưa phi hành gia Mỹ lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). NASA cho biết do giới lập pháp Mỹ không còn rót kinh phí cho Chương trình Đội bay thương mại, một kế hoạch gồm nhiều giai đoạn nhằm hiện thực hóa tham vọng của Mỹ là đến năm 2017 triển khai các chuyến bay bằng tàu vũ trụ do Mỹ sản xuất.
Sự thiếu hụt tài chính đã khiến các công ty hàng đầu của Mỹ như Boeing hay SpaceX trong 5 năm qua gặp khó khăn khi sản xuất tàu vũ trụ. Điều này đã buộc NASA tiếp tục viện đến sự hợp tác của đối tác Nga.
Sau khi kết thúc chương trình phát triển tàu con thoi vào tháng 7/2012, NASA đã hợp tác với Nga trong việc đưa phi hành gia Mỹ lên vũ trụ. Việc gia hạn hợp đồng với Roscosmos được thực hiện trong bối cảnh quan hệ Nga -Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.