Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria vẫn chưa kết thúc, nhưng sau khi lực lượng chính của Nga rút khỏi chiến trường này, người ta có thể thấy phần nào của một chiến dịch hiệu quả với các loại vũ khí hiện đại đã giúp Moscow mở ra các vòng đàm phán hòa bình.
Nga khai hỏa tên lửa tầm xa Kalibre trên biển Caspi (Nguồn: Sputnik)
Sức mạnh không quân Nga
Để có thể thành công, bất cứ một quân đội nào cũng cần sự hỗ trợ chiến đấu toàn diện. Ở Syria, Nga đã phô diễn một thứ sức mạnh quân sự khiến cả thế giới phải ngạc nhiên. Là một cường quốc quân sự, Moscow đã triển khai một lực lượng có thể kiểm soát chiến trận một cách bí mật và nhanh chóng, nhờ một hệ thống vận chuyển hiệu quả từ cả đường biển và đường không.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Thượng tướng Nga Alexander Dvornikiv đã nói rằng quân đội của họ đã thực hiện trên 640 chuyến bay và hơn 80 hành trình trên biển kể từ tháng 9/2015 để hỗ trợ chiến dịch của Nga tại Syria. Chiến lược cũng đóng góp một phần hết sức quan trọng trong sự thành công của chiến dịch này. Nó còn cho thấy sự thay đổi của lực lượng vũ trang Nga kể từ năm 2000 đến nay, sau khi một cuộc hiện đại hóa quân sự được thực hiện.
Để thực hiện không kích chống lại khủng bố ở Syria, Nga dựa chủ yếu vào các loại bom thông thường, trong đó gồm OFAB-250-270, các loại đạn định hướng như Kh-25ML và Kh-29L cùng các loại bom định hướng khác. Nga còn sử dụng loại bom định hướng có độ chính xác cực cao là KAB-500S GLONASS, được thả từ độ cao vài km trên không và đáp trúng mục tiêu với độ chệch chỉ 3 m. Nó được sử dụng để phá cứ điểm chỉ huy và các khu vực kiên cố của những kẻ khủng bố.
Khác với các loại vũ khí bên trong có lắp đặt hệ thống tự định hướng của Mỹ, Nga tập trung phát triển các hệ thống định vị và đuổi mục tiêu cho các máy bay ném bom chiến lược của mình. Và kết quả đã cho ra đời hệ thống khóa mục tiêu SVP-24 Gefest, giúp các loại bom có độ chính xác cao hơn nhờ tự động tính toán đường bay của máy bay cùng các điều kiện bên ngoài. Nhờ hệ thống này mà các cuộc không kích của Nga ở Syria có độ chính xác cực cao.
Thay đổi cục diện
Chiến dịch không kích của Nga ở Syria cũng đánh dấu lần ra mắt đầu tiên của các loại vũ khí mới như tên lửa Kh-101 và Kh-555, và tên lửa Kalibr bắn từ chiến hạm.
Lực lượng của Nga ở Syria cũng nhận được sự hỗ trợ từ biển, nhờ một đơn vị hải quân chiến lược gồm tàu tên lửa Moskva hạm đội tàu nhỏ trên biển Caspi. Liên tiếp trong hai ngày, 7/10 và sau đó là 20/11 năm ngoái, các chiến hạm từ hạm đội này đã khai hỏa tên lửa Kalibr từ biển Caspi và đánh trúng mục tiêu ở cách đó đến 2.500 km.
Ngày 8/12/2015, Nga lần đầu tiên khai hỏa tên lửa Kalibre từ tàu ngầm Rostov-on-Don, tấn công thành công các mục tiêu được định hướng trước. Tuy việc sử dụng các loại vũ khí này không thay đổi chiến dịch quân sự, nhưng nó lại được xem là có vai trò thay đổi cục diện và mang lại thắng lợi trên chiến trường Syria cho Nga.
Chiến dịch không kích của Nga cũng đánh dấu lần đầu tiên mà quân đội nước này triển khai mẫu phi cơ chiến đấu Su-34. Nó được xem là mẫu phi cơ đánh chặn tiên tiến nhất của Nga hiện nay, được chế tạo để thay thế đội máy bay Su-24 Fencer đã cũ kỹ. Su-34 có khả năng tự vệ trên không cực kỳ hiệu quả, nhờ trang bị tên lửa đối kháng R-73 và tên lửa tầm xa định hướng không-đối-không R77.
Được biết trong lúc chiến dịch Syria đang diễn ra, một số quan chức quốc phòng Nga cũng di chuyển bằng chiếc Su-34. Theo nhà sản xuất Sukhoi, 2 trong số kỹ sư chế tạo mẫu máy bay này của họ đã được thưởng, do giới chức quốc phòng Nga quá ấn tượng với khả năng của mẫu Su-34.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra các đánh giá cuối cùng về chiến dịch của Nga ở Syria, kết thúc vào ngày 14-3 vừa qua. Bộ Quốc phòng nước này sẽ thu thập và phân tích thông tin chiến lược, vũ khí có liên quan tới chiến dịch này để có thể công bố kết quả. Dù vậy thì sau chiến dịch này, thế giới cũng thấy được rằng sức mạnh của không quân Nga là một thứ không thể bỏ qua.