Chính phủ Nga trong một tuyên bố đưa ra hôm 5/7 nói rằng, họ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đáp trả đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Ukraine và nhiều nước khác đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với họ.
Ảnh minh họa.
“Lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng nông nghiệp, nguyên liệu thô và thực phẩm từ Mỹ, các nước thành viên EU, Canada, Australia, Na Uy, Ukraine, Albania, Montenegro, Iceland và Liechtenstaein đã được mở rộng từ ngày 1/1 đến 31/12/2018” – Tuyên bố của chính phủ Nga cho hay.
Chính quyền Moscow cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp này được đưa ra nhằm mục đích đảo bảo an ninh quốc gia.
“Các biện pháp hạn chế này được thiết kế nhằm mở rộng các biện pháp kinh tế đặc biệt nhằm vào một số nhà nước nhất định, dựa trên việc họ áp đặt và kéo dài lệnh trừng phạt đối với Nga” – Tuyên bố nêu rõ.
Sắc lệnh trên được đưa ra nhằm thực hiện chỉ thị mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra từ hôm 30/6 vừa qua, liên quan tới việc “mở rộng các biện pháp kinh tế đặc biệt để đảm bảo an ninh của Liên bang Nga”. Chính phủ Nga đã được chỉ thị để đưa ra các biện pháp thực thi sắc lệnh trên và nếu cần, sẽ đưa ra các đề xuất để thay đổi ngày chính thức có hiệu lực của nó.
Từ tháng 8/2014, Nga đã bắt đầu biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu nông sản và thực phẩm từ các nước đã áp lệnh trừng phạt đối với họ do cáo buộc liên quan tới khủng hoảng Ukraine, bao gồm thịt, cá, hải sản, hoa quả và các mặt hàng bỡ sữa.
Vào ngày 28/6 vừa qua, Liên minh châu Âu đã chính thức kéo dài các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thêm 6 tháng nữa, sau khi nói rằng việc thực thi thỏa thuận Minsk về khủng hoảng Ukraine thiếu các bước tiến cụ thể. Các lệnh trừng phạt này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/1/2018.
Trước đó, Phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga từ năm 2014 với cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Nam Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea. Trong khi đó, Moskva nhiều lần tuyên bố rằng yêu cầu của phương Tây hoàn toàn vô lý, bởi Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine.