Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây gặp gỡ tại Sochi và đưa ra một thỏa thuận để vạch ra đường hướng tương lai của Syria. Thực tế được chỉ ra rất rõ ràng: Tương lai của Syria giờ phụ thuộc vào Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp tại Sochi, Nga. (Nguồn: Reuters).
Vai trò dẫn đầu của Nga
Nói theo một cách khác, tương lai của Syria giờ đây phần lớn là được quyết định bởi Tổng thống Putin. Khi mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ rơi người Kurd - đồng minh duy nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS - và “bật đèn xanh” cho người Thổ xâm lược miền Bắc Syria, Mỹ được coi là chính thức rời khỏi cuộc chiến nhiều bên ở Syria.
Và giờ, dù tốt dù xấu, ông Putin là người chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề chính trị-quân sự ở Syria. Không giống như nỗ lực của chính quyền Trump nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria, ông Putin luôn là người có kế hoạch sẵn trong tay.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch tiến đánh Đông Bắc Syria, Nga lập tức khởi động các vòng đàm phán với người Kurd và Chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh chính của Moscow, và nhanh chóng đạt được thỏa thuận cho phép quân đội Syria đi vào các khu vực người Kurd kiểm soát - nơi mà chính quyền Damascus đã không duy trì hiện diện trong suốt nhiều năm liền - để chặn đứng đà tiến quân của người Thổ.
Đó là những động thái được tính toán cẩn thận và có hiệu quả.
“Khi lá cờ của Nga xuất hiện, chiến sự ngừng lại - cả người Thổ lẫn người Kurd đều không muốn gây chiến với chúng tôi, bởi vậy nên chiến sự ngừng lại nhờ vào chúng tôi” - Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Safar Safarov, một quan chức quân đội Nga nói.
Tuy nhiên, vai trò mới của Nga trên chiến trường Syria cũng không phải không có rủi ro. Tình hình ở Đông Bắc Syria giờ đây cực kỳ dễ đổ vỡ. Người Thổ đã nêu rõ rằng họ sẽ không cho phép lực lượng người Kurd hiện diện gần biên giới. Thêm vào đó, lực lượng chính phủ Syria và các nhóm nổi dậy mà Ankara hậu thuẫn chắc chắn chỉ chờ thời cơ nghiền nát lẫn nhau, do đã trải qua nhiều cuộc xung đột qua 8 năm nội chiến.
Nhiều rủi ro
Moscow dường như hiểu rõ tình hình nguy hiểm hiện nay, khi họ nhận vai trò mới trên chiến trường Syria.
“Chúng tôi đã cố gắng gây sự chú ý suốt nhiều năm qua rằng, các chính sách của Mỹ và khối đồng minh, trong đó hướng tới sự sụp đổ của Syria, đang đẩy người Kurd tới chỗ ly khai và xung đột với các bộ tộc Arab” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trong bài phát biểu hồi tuần trước.
Điện Kremlin cực kỳ lo ngại rằng những công dân Nga trong hàng ngũ IS và các nhóm nổi dậy ở Syria có thể trở về nước và gây ra tình trạng bất ổn ở đó. Kể từ thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch ở miền Bắc Syria, Điện Kremlin đã tỏ rõ sự hoài nghi về khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tiếp quản hàng nghìn tù binh IS và thân nhân của chúng - mà trước thuộc quản lý của người Kurd.
Nhưng dù cho phải đối mặt với hàng loạt rủi ro trong vấn đề Syria, lãnh đạo Nga dường như hiểu rất rõ thực trạng và đủ khả năng để kiềm chế không cho tình hình thêm bung bét.
Dù cho Mỹ và các nước phương Tây ra sức chỉ trích các hành động quân sự của Nga ở Syria, nhưng phần lớn các bên và các nước có liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Syria dường như đều thừa nhận rằng Moscow là đồng minh đáng tin cậy hơn so với Washington trong cuộc khủng hoảng này.
Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - đã hợp tác với Nga ở Syria suốt nhiều năm qua, bất chấp thực tế là họ ủng hộ phe nổi dậy trong cuộc nội chiến. Ngay cả hai nước không đội trời chung với nhau như Israel và Iran dường như cũng thừa nhận rằng con đường giúp đảm bảo các lợi ích của họ chính là thông qua Moscow.
Và khi lực lượng SDF do người Kurd dẫn đầu nhận ra rằng họ đã bị chính quyền Trump “phản bội” và trở thành con mồi cho các lực lượng ủy thác của Thổ Nhĩ Kỳ, họ cũng đứng về phía Nga ngay lập tức.