NATO và Nga đã lao vào một cuộc khẩu chiến, cáo buộc lẫn nhau, chỉ một ngày sau khi Nga triển khai hàng loạt các loại tên lửa hiện đại bậc nhất của mình gồm Bastion, S-400, Iskander tới lãnh thổ Kaliningrad, bên bờ biển Baltic hôm 22/11.
Hệ thống phóng tên lửa Iskander của Nga trong một cuộc tập trận. (Nguồn: TASS).
NATO đã lên tiếng cáo buộc Nga “thể hiện sự hung hăng về mặt quân sự”, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản bác lại rằng Nga chỉ đơn giản là đang đáp lại sự hung hăng của NATO.
Cuộc khẩu chiến diễn ra trong bối cảnh châu Âu đã chờ đợi trong lo âu để xem liệu chính quyền mới của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ ảnh hưởng ra sao đối với các thỏa thuận an ninh của lục địa này.
Ông Trump từng nói trong một cuộc phỏng vấn nhân chiến dịch tranh cử của mình rằng ông sẽ sẵn sàng nói với các đồng minh NATO rằng “xin chúc mừng, các bạn sẽ phải tự bảo vệ mình” nếu như ông cảm thấy họ chưa đóng góp đủ về mặt tài chính cho khối đồng minh này.
Thủ tướng Anh Theresa May theo dự kiến đã có cuộc họp với Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg tại phố Downing hôm 23/11 nhằm kêu gọi ông này thuyết phục các nước châu Âu tuân thủ các cam kết từng đưa ra với NATO về việc chi 2% mức thu nhập toàn quốc cho quốc phòng chung.
Nghị viện châu Âu trong hôm 22/11 cũng đã bỏ phiếu thuận với tỷ lệ 369/255 để ủng hộ một kế hoạch, trong đó tập trung vào việc thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng giữa các nhà nước thành viên NATO, hành động được coi là một biện pháp để đối phó với tuyên bố mà ông Trump từng đưa ra.
“Liên minh của chúng ta chưa được chuẩn bị để đối phó với các thách thức quốc phòng ghê gớm như vậy” - ông Urmas Paet, thuộc Nghị viện châu Âu và là người đã soạn thảo nghị quyết trên, nhận định - “châu Âu tiếp tục phải dựa chủ yếu vào khả năng của NATO và vào sự đoàn kết với Mỹ”.
Ông Trump cũng từng mô tả NATO như một thứ “lỗi thời” trong lúc thực hiện chiến dịch và cho rằng một khối đồng minh với Nga để giải quyết vấn đề Syria là cần thiết hơn; điều mà Moscow hoan nghênh nhưng lại reo rắc nỗi sợ hãi ở nhiều thủ phủ của châu Âu, đặc biệt là ở 3 quốc gia cùng Baltic, vốn có chung đường biên giới với Nga.
Quân đội Nga trong hôm 22/11 đã thông báo về việc triển khai các tên lửa chống hạm Bastion ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Theo một Thượng nghị sỹ của nước này, ông Viktor Ozerov, Moscow còn có thể tiếp tục triển khai thêm nhiều tên lửa đạn đạo Iskander và S-400 đến vùng lãnh thổ này.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, đã nói rằng việc triển khai các tên lửa trên tới Kaliningrad là một hành động phản ứng hợp lý đối với một phương Tây đang thù địch: “Nga đang làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo an ninh của mình khi phải đối mặt với sự mở rộng của NATO về phía biên giới của Nga”.
“NATO thực sự là một khối đồng minh hung hăng, bởi vậy Nga cần phải làm mọi thứ có thể, và trong trường hợp này, Nga có quyền tài phán để đưa ra các biện pháp cần thiết” - ông Peskov cho hay.
Ông Peskov không nêu chi tiết rằng liệu các hệ thống tên lửa này đã được triển khai sẵn chưa hay chúng sẽ được đặt vĩnh viễn tại Kaliningrad. Hồi tháng 10 năm ngoái, Nga cũng từng tuyên bố rằng họ sẽ triển khai tên lửa Iskander đến vùng lãnh thổ này để phục vụ mục đích huấn luyện quân sự.
Nga từ lâu đã rất quan ngại về việc Mỹ mở rộng chương trình lá chắn tên lửa ở châu Âu. Trong hôm đầu tuần, mối quan ngại đó đã được thể hiện rõ qua phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Khi một quốc gia trở thành một thành viên NATO, rất khó cho họ để phản kháng lại sức ép từ quốc gia lớn đang dẫn đầu NATO, Mỹ. Và sau đó bạn phải làm mọi thứ mà họ muốn: Hệ thống phòng thủ tên lửa, các căn cứ mới và nếu cần, các hệ thống tên lửa mới” - Tổng thống Putin nói.
“Chúng tôi nên làm gì đây? Trong trường hợp này chúng tôi buộc phải đưa ra biện pháp đáp trả, phải sử dụng các hệ thống tên lửa của chúng tôi để tấn công các mục tiêu bắt đầu đe dọa chúng tôi. Tình hình này rất đáng ngại” - ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nước Nga hôm đầu tuần.
Trở lại cuộc họp khẩn giữa Thủ tướng Anh và Tổng thư ký NATO, khi được hỏi rằng liệu cuộc họp này có thảo luận tới cách tiếp cận của ông Trump đối với NATO hay không, một người phát ngôn của văn phòng Thủ tướng Theresa May cho hay: “Một phần của cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc rót vốn cho NATO và mức cam kết 2% thu nhập quốc gia, ngoài ra còn nhiều vấn đề khác”.