Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 29/9 đã nhất trí tăng cường các nỗ lực hòa bình ở Syria, trong đó lãnh đạo Nga tuyên bố về các điều kiện cần có để chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài suốt hơn 6 năm qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara. (Nguồn: Sputnik).
Sau các cuộc đàm phán tại phủ Tổng thống ở thành phố Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đã nhất trí thúc đẩy thành lập vùng "giảm thang căng thẳng" ở tỉnh chủ chốt phía Bắc Syria, Idlib, hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của những kẻ phiến quân.
Dù đứng ở các bên đối lập trong cuộc xung đột này, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hợp tác chặt chẽ với nhau kể từ sau khi một thỏa thuận tái hòa giải được ký kết năm 2016 với mục đích chấm dứt cuộc khủng hoảng gây nên do vụ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay quân sự Nga trên không phận Syria.
Moscow và Ankara đã đề xuất thành lập nhiều khu vực giảm thang căng thẳng ở Syria trong các vòng hòa đàm tổ chức ở Astana của Kazakhstan, tuy nhiên vùng giảm thang ở tỉnh Idlib là mục tiêu quan trọng nhất.
Tổng thống Erdogan cho hay, cả hai bên đã nhất trí tăng cường thúc đẩy việc thành lập vùng giảm thang ở tỉnh Idlib, trong khi Tổng thống Putin nói rằng việc thực thi các thỏa thuận được đưa ra ở hòa đàm Astana "không hề dễ dàng" nhưng cả hai bên đã "thành công khi mang lại kết quả tích cực".
"Các điều kiện cần thiết đã được tạo ra để chấm dứt cuộc chiến dài kỳ ở Syria, thất bại cuối cùng của những kẻ khủng bố và sự trở về của người dân Syria để có một cuộc sống hòa bình" - Tổng thống Putin nói.
Tăng cường hợp tác
Trong khi tình hình ở nhiều phần của Syria, đáng chú ý nhất là tỉnh Aleppo, đã yên ắng trở lại trong những tháng gần đây thì Idlib vẫn là một điểm nóng chiến sự.
Tổng thống Putin nói rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục làm việc "với mục tiêu hợp tác sâu rộng các hoạt động chung để giải quyết khủng hoảng Syria".
Nga, cùng với Iran, hiện đang ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe nổi dậy tìm cách lật đổ chính quyền Assad.
Dù cho chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi, nhưng Ankara đã giảm bớt giọng điệu chống chính quyền Damascus kể từ khi quan hệ hợp tác với Nga mang lại kết quả tích cực.
Tổng thống Putin và Erdogan cũng hoan nghênh việc hợp tác kinh tế song phương được cải thiện, trong đó du khách Nga đang trở lại Thổ Nhĩ Kỳ và cả hai nước đang thúc đẩy dự án xây đường ống dẫn dầu xuyên Biển Đen.
Ankara còn ký một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD để mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga, một động thái khiến nhiều nước đồng minh NATO không khỏi bị sốc.
Trái ngược hoàn toàn với các đòn công kích lẫn nhau sau vụ quân đội Thổ bắn hạ máy bay quân sự Nga trên không phận Syria, giờ đây quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đã được tăng cường mạnh mẽ; Tổng thống Erdogan còn gọi người đồng cấp Nga là "người bạn tốt Putin của tôi".
Còn nhiều khác biệt
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù hai quốc gia cùng chia sẻ lợi ích trong việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương, mối quan hệ của họ vẫn chưa thể đạt đến mức cần thiết để trở thành một khối liên minh chiến lược.
"Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là thân thiết, nhưng họ vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau và có thể vẫn tiếp diễn xét về ngắn hạn" - Pavel Baev, chuyên gia phân tích thuộc Viện nghiên cứu Brookings, nhận định.
Mới đây nhất, quan điểm của Nga về cuộc trưng cầu dân ý độc lập tổ chức hôm đầu tuần ở khu vực người Kurd thuộc Iraq cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ quan ngại bởi họ phản đối người Kurd thành lập một nhà nước.
Bộ Ngoại giao Nga trong tuần nói rằng, trong khi Moscow ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, nhưng vẫn tôn trọng khát khao thành lập quốc gia của người Kurd.
Trong một cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Erdogan đã gọi cuộc trưng cầu dân ý trên là "phi pháp" và nói rằng các lãnh đạo người Kurd ở Iraq cần phải bị ngăn chặn trước khi tạo ra "sai lầm nghiêm trọng".
Tổng thống Putin hôm 29/9 nói rằng ông cùng Tổng thống Erdogan đã thảo luận chi tiết về vấn đề này, và quan điểm của Moscow vẫn giữ nguyên như trong tuyên bố mà Bộ Ngoại giao của họ đưa ra trước đó.
"Nga hiện đang cố gắng không đưa ra quan điểm rõ ràng về vấn đề này trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại mong muốn có một sự đảm bảo" - Timur Akhmetov, chuyên gia phân tích thuộc Hội đồng Ngoại giao Nga, nói với hãng tin AFP.