Nếu tính từ số đầu tiên của tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo ra ngày 15/4/1885 đến nay thì ngành báo chí hiện đại của nước ta đã được 157 năm. Nếu tính số báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra đời ngày 21/6/1925 đến nay thì nền báo chí cách mạng của Việt Nam ta đã vào lần kỉ niệm 97. Nghĩa là 3 năm nữa, báo chí cách mạng nước ta sẽ tròn một thế kỉ ra đời.
Trong gần một thế kỉ qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã kế thừa những phẩm chất ưu tú nhất mà báo chí quốc ngữ Việt Nam để lại là nhanh nhạy, sắc bén, trí tuệ của những người làm báo Việt Nam từ thuở trứng nước trong đó tiêu biểu như nhà báo Trương Vĩnh Ký. Ông không chỉ là nhà báo sáng lập ra tờ báo tư nhân đầu tiên - tờ Nam Kỳ - mà còn là cây bút tham gia viết bài cho hàng chục tờ báo đương thời. Bên cạnh đó nhà báo Trương Vĩnh Ký còn là một học giả thông thạo tới 26 ngoại ngữ, và là tác giả của hơn 100 bộ sách.
Cùng với sự thừa hưởng phẩm chất của sự nhanh nhậy trong việc khai thác, công bố tin tức thì báo chí cách mạng còn thừa hưởng ý chí, sức chiến đấu - đặc trưng của các tờ báo quốc ngữ tiền nhiệm như tờ “Nữ giới chung” (Tiếng chuông cho giới phụ nữ) do bà Sương Nguyệt Anh - con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là chủ bút. Tờ báo bênh vực những giới, những người bị thua thiệt trong xã hội là phụ nữ và những người cần lao.
Chính vì thừa hưởng những điểm mạnh trong truyền thống của báo giới Việt Nam lại được sự lãnh đạo của Đảng tiên phong nên gần một thế kỉ qua, báo chí Cách mạng đã có những bước tiến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Tính đến nay, theo số liệu chưa đầy đủ, báo chí nước ta có 706 báo, trong đó có 178 tờ báo, 528 tạp chí, 67 đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương, 90 báo và tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử. Đội ngũ những người làm báo từ con số đếm được trên đầu ngón tay giờ đây tăng lên gấp bội. Theo một số liệu thông kê hồi năm 2018 thì nước ta có 36 nghìn người làm trong ngành báo chí ở 850 cơ quan báo chí. Hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ và Hội Nhà báo Việt Nam có 22.000 hội viên.
Nội dung được thể hiện trên các tờ báo thuộc nhiều loại hình cũng được cải thiện rất nhiều chẳng những nhanh, nhạy hơn trước đây mà tính thực tế cũng như tính chiến đấu, bảo vệ lẽ phải, sự công bằng cũng có những thành quả đáng ghi nhận.
Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã từng ghi nhận sức mạnh của báo chí từ những tờ báo viết tay, viết bằng máu được truyền tay nhau của các nhà cách mạng trong các nhà tù của thực dân đế quốc như: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Phú Quốc… đã là nguồn động viên và tạo ra sức mạnh lan tỏa to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Ngày nay sức mạnh truyền thống đó vẫn được tiếp tục, nâng cao khi báo chí cùng chủ động tham gia cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tạo thêm sức nóng từ nhiệt tình của nhà báo để từng bước làm trong sạch đội ngũ đảng, đáp ứng yêu cầu về sự công bằng xã hội của nhân dân.
Bên cạnh sự lớn mạnh của báo giới, sự gia tăng sức hấp dẫn của tác phẩm báo chí mà cụ thể là các bài báo đối với người đọc thì cũng cần thấy những đặc trưng của báo chí hiện nay. Đó là sự ra đời mạnh mẽ của nhiều tờ báo cùng sự tiến bộ của kĩ thuật điện tử kéo theo sư gia tăng mạnh mẽ của báo điện tử đã tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với báo viết, báo in, báo nói (phát thanh) truyền thống.
Cách đây 30-40 năm, khi báo in cũng như báo nói (Đài Phát thanh) đang giữ địa vị thống trị đối với người đọc và người nghe thì sức hấp dẫn của hai loại hình báo chí này nhất là báo giấy, báo in thật to lớn. Dạo đó người đọc có được tờ báo, mua được tờ báo nhất là những tờ báo có lượng thông tin hấp dẫn để đọc thật khó. Những tờ báo ra đời cùng với sự đổi mới trong quản lý và thông tin như các tờ báo ấn phẩm của báo Công an Nhân dân gồm: Văn nghệ Công an, An ninh Thế giới, Cảnh sát toàn cầu…
Ấn phẩm Tinh hoa Việt của báo Đại Đoàn Kết, tờ Thanh niên, Tuổi trẻ, những tờ báo cuối tuần… đã có sức hút mạnh mẽ đối với bạn đọc. Một minh chứng cho sức hút của các tờ báo này là sự xuất hiện tại các sạp báo. Tiêu chí báo ăn khách cách đây vài chục năm là ấn phẩm ấy có ra được sạp báo trên hè phố hay không?
Gần đây cùng với sự gia tăng của tiến bộ điện tử, kéo theo sự ra đời của các loại báo điện tử đã tạo lên sự cạnh tranh lớn trong làng báo nước ta nói riêng cũng như làng báo thế giới nói chung. Trước sự phát triển nhanh chóng về số lượng cùng với thế mạnh của báo điện tử, báo giấy đang bị co hẹp lại cả về số lượng ấn phẩm, và số lượng phát hành. Sạp báo nổi tiếng bán khá đầy đủ các loại báo ngày, báo tuần, tạp chí trước tòa soạn báo Nhân Dân phố Hàng Trống (Hà Nội)đã không còn. Hình ảnh bác xích lô gọi chú bé bán báo dạo để mua một tờ đọc trong lúc chờ khách vắng dần. Rồi tiếng rao báo của người bán báo trước cửa hiệu cà phê giờ đã thành hiếm hoi. Hầu hết người uống cà phê, người giết thời gian trên hè phố ai nấy cắm cúi vào màn hình điện thoại thông minh, lap top đã trở thành hình ảnh phổ biến trên đường phố và ở các nơi tụ tập đông người như bến tàu, bến xe, phòng chờ ở sân bay…
So với báo in và ngay cả so với báo nói là Đài Phát thanh, báo điện tử có nhiều ưu thế từ cách lấy tin, xuất bản tin cùng nhiều ưu điểm khác. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã ghi nhận thế mạnh của báo điện tử hơn hẳn so với báo in và báo nói đó là khả năng lưu trữ và tìm kiếm. Ông cho rằng: “Người làm báo là người viết sử đương đại. Báo chí chính là kho tư liệu lâu dài chứ không phải thông tin thoáng qua và nó sẽ được khai thác lại”. Vì thế “tất cả các trang báo online cần phải lưu tâm đến chức năng là một công cụ tìm kiếm”.
Với thế mạnh như vậy nên báo điện tử thực sự phù hợp với thành ngữ “thời đại nào có báo chí thời đó”. Rõ ràng các loại hình báo chí điện tử đang chiếm ưu thế với sức hấp dẫn độc giả hiện nay.
Song cái gì cũng có hai mặt. Chưa nói đến kẻ làm báo mang tâm địa xấu lợi dụng sự nhanh, nhạy của báo điện tử để đưa tin giả lừa người đọc mà ngay người làm báo điện tử nếu thiếu đi công tâm và tính chuyên môn thì báo điện tử chính là nơi dễ tạo ra tin thất thiệt chưa được kiểm chứng. Điểm thứ hai muốn đọc được báo điện tử thì chí ít cũng phải thông thạo kĩ năng điện tử nói chung và kĩ năng truyền thông điện tử nói riêng. Đây chính là điều mà báo in, báo nói vẫn còn lượng người đọc người nghe đa phần thuộc lứa cao tuổi.
Hiện nay viết văn bản, sáng tác văn chương, viết báo có số đông những người dùng máy tính, nhưng cũng có nhà văn, nhà báo tâm sự là vẫn thích viết bằng tay để tận hưởng cảm giác trực tiếp của niềm vui tạo nên con chữ. Điều này tương tự như tỉ lệ khá đông người lớn tuổi còn vẫn giữ thói quen đọc báo in giấy hơn là đọc báo điện tử.
Sự không thạo kĩ nghệ hiện đại cộng với thói quen đọc báo, thích ngửi mực báo in, nghe tiếng giở báo sột soạt để mường tượng, gợi nhớ đến kí ức một thời cũng là niềm vui nho nhỏ ở độc giả cao tuổi… Phải chăng đó cũng là cái thú khó bỏ của một lượng người đọc không quen, chưa ưa được việc đưa mắt nhìn lên màn hình trôi nhanh, loang loáng của điện thoại thông minh.